Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

U23 xông đất đầu năm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vài ngày nữa, U23 Việt Nam sẽ tham dự vòng chung kết (VCK) châu Á. Đây chính là hoạt động đầu tiên của bóng đá Việt Nam năm 2016.

Trong tiềm thức, sân chơi châu lục luôn mang đến áp lực chứ không phải cơ hội cho bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, với ông thầy người Nhật Miura, giờ là thời điểm nền bóng đá phải đột phá vào sân chơi lớn.

Ông Miura nuôi tham vọng

VCK U23 châu Á diễn ra tại Qatar từ ngày 12 - 31/1. U23 Việt Nam rơi vào bảng gồm các đối thủ: Jordan, Australia và UAE. Đây đều là những đối thủ sừng sỏ ở châu lục và U23 Việt Nam được đánh giá là yếu nhất bảng, trở thành mỏ điểm để các đội bóng khai thác. Ấy vậy mà ông Miura lại khiến nhiều người ngạc nhiên khi đặt mục tiêu sẽ lọt vào tứ kết.
Các cầu thủ U23 Việt Nam tập luyện chuẩn bị cho giải đấu.
Các cầu thủ U23 Việt Nam tập luyện chuẩn bị cho giải đấu.
Nhiều người cho rằng, ông Miura đặt mục tiêu cho vui chứ đối đầu với những đội bóng mạnh, rất khó để U23 Việt Nam gây được bất ngờ. Hơn thế nữa, đấu trường châu lục chưa bao giờ là mục tiêu cần được quan tâm của bóng đá Việt Nam. Nền bóng đá vẫn còn rất hứng khởi với giấc mộng vàng khu vực.

HLV Miura từng phát biểu: “Có một sự khác biệt ở bóng đá Việt Nam là mọi người không để ý mấy đến các đấu trường lớn. Tham dự và giành thứ hạng cao ở sân chơi châu lục là cách nhanh nhất để quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế nền bóng đá với bạn bè quốc tế. Vì thế, cần phải dồn mọi nguồn lực cho mục tiêu thành công ở VCK U23 châu Á”.

Niềm tin của ông Miura đến từ việc, nhà cầm quân này đang sở hữu một dàn cầu thủ tương đối xuất sắc. Hơn thế nữa, tại Asiad 2014, U23 Việt Nam từng không được đánh giá cao nhưng bằng tinh thần thi đấu máu lửa, đấu pháp hợp lý đã gây sốc với dư luận khi giành vé đến tứ kết.

Thay đổi tư duy

Bóng đá Việt Nam lâu nay có một nỗi ám ảnh mang tên “đấu trường châu lục”. Người ta sợ vô địch V.League vì phải tham dự AFC Cup vừa tốn tiền lại không thể tranh bá xưng hùng. Những đội bóng dám vô địch V.League thì hoặc bỏ giải, hoặc thi đấu với sự đối phó chứ không dám đặt mục tiêu lớn.

Ngay cả Đội tuyển quốc gia cũng có tâm lý bi quan trước mỗi giải đấu quốc tế. Thế mới có chuyện, vòng loại World Cup, Asian Cup từng được coi là cơ hội tập luyện cho đội U23 nhằm hoàn thành mục tiêu vào chung kết SEA Games hay AFF Cup. Không biết các cầu thủ trẻ học được gì từ những trận thua vỡ mặt, nhưng thương hiệu của nền bóng đá đã bị sa sút nghiêm trọng. Các nhà tài trợ thì chán nản đội tuyển chưa ra trận đã biết sẽ thua.

Giờ thì khác, ông Miura và bản thân những người làm bóng đá đang có sự thay đổi về nhận thức. Họ cho rằng, cần phải tạo ra được thế đứng vững chắc ở đấu trường quốc tế. Vị thế cao giúp VFF khơi được dòng tiền tài trợ và quan trọng hơn là thương hiệu nền bóng đá được cải thiện.

Trở lại với U23 Việt Nam, với lực lượng nòng cốt từng thi đấu thành công ở giải U19 Đông Nam Á mở rộng và 2 lần đánh bại U19 Australia, U23 Việt Nam có quyền đặt cho mình mục tiêu giành vé đến bán kết. Khoảng cách về trình độ giữa các cầu thủ trẻ không cao nên đội bóng nào có đấu pháp hợp lý và quyết tâm cao hơn thì cơ hội giành chiến thắng sẽ nhiều hơn.

Vậy nên, không thể nói mục tiêu mà ông Miura đặt ra là xa vời. Mọi việc sẽ trở nên gần hơn khi cả nền bóng đá phải thay đổi tư duy, hướng đến những đấu trường lớn thay vì hài lòng với sân chơi ao làng. Bởi, nói cho cùng, đặt mục tiêu cao thì nền bóng đá, các đội tuyển sẽ phải xác lập tâm thế để vượt giới hạn của bản thân và đối thủ.­