Vừa qua, báo Kinh tế & Đô thị nhận được báo cáo số 116/BC- UBND do Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Kế Khiêm ký về hiện trạng quản lý và hoạt động của Chợ du lịch văn hóa Cổ Loa. Theo đó, chợ được khởi công tháng 6/2003, hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng tháng 4/2005 với diện tích 3.740m2 trên nền chợ Sa cũ. Ngày 24/8/2005, UBND huyện Đông Anh ban hành Quyết định 665/QĐ - UB về việc ban hành quy chế đấu giá thuê diện tích, vị trí bán hàng tại chợ. "Tuy nhiên, đến thời điểm đấu giá không có nhà thầu mua hồ sơ tham gia đấu giá. Nguyên nhân do công năng của chợ không phù hợp thực tế: phần lớn diện tích dùng để kinh doanh vải, quần áo, giày dép, hàng khô, hàng điện tử, kim khí, sành sứ, đồ gia dụng, khuyến khích các mặt hàng phục vụ khách du lịch và hàng lưu niệm; chỉ có 151m2 sân bãi phục vụ nhân dân họp chợ ngoài trời" Các hộ kinh doanh tại chợ Sa cũ tiếp tục kinh doanh tại khu đất trống bên ngoài chợ và tràn ra vỉa hè, gây mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Trong khi các công trình đã xây dựng chưa được khai thác hiệu quả. Đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân và các hộ kinh doanh tại chợ Sa cũ, năm 2007 huyện cho xây dựng chợ Sa tạm, diện tích 4.502,6m2 cách chợ cũ khoảng 300m. Chợ Sa tạm được giao cho UBND xã quản lý đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu và các yêu cầu về quản lý chợ.
Từ tình hình thực tế trên, UBND huyện Đông Anh kiến nghị UBND TP cho phép chuyển đổi công năng của chợ để tổ chức xã hội hóa việc quản lý, khai thác, sử dụng chợ theo quy định.
Như vậy, ngay sau khi báo Kinh tế & Đô thị phản ánh, UBND TP chỉ đạo, lãnh đạo UBND huyện Đông Anh đã khẩn trương kiểm tra, xem xét và có đề xuất hướng giải quyết tránh để một công trình dân sinh bị lãng phí kéo dài. Báo Kinh tế & Đô thị hoan nghênh tinh thần cầu thị, hợp tác của lãnh đạo UBND huyện Đông Anh trước các vấn đề báo nêu.