Ukraine bất chấp "giá đắt", tấn công Kursk để lấy vốn đàm phán với Nga?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiev biết rằng sẽ phải chịu áp lực ngày càng tăng để đàm phán chấm dứt chiến tranh, đặc biệt là nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã phá vỡ sự im lặng kéo dài một tuần qua liên quan tới cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine vào tỉnh Kursk thuộc lãnh thổ Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, (giữa) cho biết mục đích của cuộc tấn công táo bạo của quân đội nước này nhằm bảo vệ khu vực biên giới đã được lực lượng Nga sử dụng để bắn phá vùng Sumy lân cận của Ukraine. Ảnh: AFP
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, (giữa) cho biết mục đích của cuộc tấn công táo bạo của quân đội nước này nhằm bảo vệ khu vực biên giới đã được lực lượng Nga sử dụng để bắn phá vùng Sumy lân cận của Ukraine. Ảnh: AFP

Cụ thể, Tổng thống Ukraine nêu ra mục đích cho cuộc tấn công táo bạo của quân đội: bảo vệ khu vực biên giới đã được lực lượng Nga sử dụng để bắn phá vùng Sumy lân cận của Ukraine.

FT dẫn lời các nhà phân tích quốc phòng, binh lính Ukraine và thậm chí từ phía Moscow đã đưa ra lời giải thích cho hoạt động này: để kéo lực lượng Nga ra khỏi mặt trận nơi quân đội Ukraine đang dần mất đi thế trận; để khôi phục lại một số niềm tin vào khả năng tấn công của Ukraine; và kiểm soát một phần lãnh thổ của Nga để sử dụng làm đòn bẩy trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Moscow — điều đáng chú ý này đã được tổng thống Nga nêu rõ ngày 12/8. 

Theo giới phân tích, trong tất cả các mục tiêu chiến lược tiềm năng của cuộc tấn công vào Kursk, mục tiêu chiếm lãnh thổ như một con bài mặc cả là hấp dẫn nhất, nhưng cũng là mục tiêu nguy hiểm nhất.

Kiev biết rằng sẽ phải chịu áp lực ngày càng tăng để đàm phán chấm dứt chiến tranh, đặc biệt là nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Về mặt ngoại giao, Ukraine đã cố gắng đi trước một bước, thúc đẩy công thức hòa bình riêng và cam kết sẽ tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế — với sự tham gia của Nga — trước ngày 5/11.

Ứng cử viên Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ mang lại hòa bình cho Ukraine chỉ sau một đêm. Một số cựu quan chức và cố vấn của ông đã gợi ý rằng các biện pháp có thể bao gồm việc nhượng lại lãnh thổ một cách không chính thức để đổi lấy các đảm bảo an ninh có ý nghĩa của phương Tây.

Kiev và nhiều đồng minh châu Âu lo ngại về việc chính quyền ông Trump 2.0 sẽ có thể gây sức ép Ukraine vào một nền hòa bình bất công. 

Nhưng với mức độ hỗ trợ quân sự hiện tại của phương Tây — và việc huy động nguồn lực trong nước của Ukraine — Kiev không có con đường khả thi trong trung hạn để giành chiến thắng. Châu Âu dường như vẫn miễn cưỡng hành động. Mặc dù có "sự công nhận" rằng châu Âu sẽ phải làm nhiều hơn để trang bị vũ khí cho Ukraine, nhưng "không có cuộc thảo luận thực chất nào về các lựa chọn", một quan chức cấp cao của châu Âu cho biết.

Hầu hết các nước phương Tây đều bày tỏ kỳ vọng Kiev ở vị thế mạnh nhất có thể để đàm phán. Cho đến cuộc tấn công Kursk tuần trước, Ukraine có rất ít lựa chọn để đạt được mục tiêu trong ngắn hạn. Ở mặt trận phía đông, Kiev đang mất dần vị thế. Vị thế của Nga dường như đã cố thủ ở phía Nam. Bây giờ, Kiev có thể có cơ sở mạnh mẽ hơn trong trường hợp đàm phán với Nga.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, công chúng Ukraine ngày càng cởi mở với một giải pháp đàm phán với Nga, nhưng vẫn phần lớn phản đối các nhượng bộ về lãnh thổ. 

Mặt khác, quân lính Ukraine và các nhà phân tích phương Tây lo ngại rằng việc đổ nguồn lực khan hiếm vào Kursk sẽ khiến Ukraine khó giữ được các vị trí chiến lược quan trọng ở Donetsk. Những bước tiến mạnh mẽ của Nga vẫn tiếp diễn tại khu vực đó trong những ngày gần đây. 

"Ukraine có thể đạt được điều gì nếu họ chi nhiều nhân lực và thiết bị hơn để kiểm soát thêm nhiều khu vực biên giới theo hướng Kursk?", nhà phân tích người Phần Lan Emil Kastehelmi đặt câu hỏi trên mạng xã hội X. "Lợi ích thu được từ việc kiểm soát nhiều đất đai hơn chỉ là hạn chế."