Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ukraine lên tiếng về đề xuất hòa bình của Trung Quốc

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiev cho biết sẽ nghiên cứu kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đề xuất, đồng thời khẳng định ưu tiên cho "công thức hòa bình" do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu tại một cuộc họp báo chung với các quan chức NATO và EU tại Brussels (Bỉ) ngày 21/2. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu tại một cuộc họp báo chung với các quan chức NATO và EU tại Brussels (Bỉ) ngày 21/2. Ảnh: AFP

Ukraine nói rằng nước này mới chỉ nắm được ý chính của "kế hoạch hòa bình" do Trung Quốc đề xuất.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với các quan chức NATO và EU tại Brussels (Bỉ) ngày 21/2, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Trung Quốc Vương Nghị đã chia sẻ với ông về một số nội dung chính trong kế hoạch hòa bình cho Nga - Ukraine do Bắc Kinh đề xuất.

"Ông ấy đã chia sẻ với tôi những nội dung chính trong kế hoạch hòa bình của Trung Quốc. Chúng tôi cần nghiên cứu kết hoạch chi tiết" - RT dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Kuleba.

Ông Kubela không tiết lộ những nội dung chính mà Bắc Kinh đã chia sẻ là gì, nhưng nhấn mạnh rằng Ukraine vẫn ưu tiên công thức hòa bình do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra hồi cuối năm ngoái.

Trong khi đó, Tổng thống Zelensky cho biết, ông chưa nắm được kế hoạch hòa bình cụ thể của Trung Quốc, song ông vẫn hy vọng sự ủng hộ của quốc tế đối với công thức hòa bình do Ukraine đưa ra.

"Chúng tôi hy vọng Liên hợp quốc sẽ ủng hộ công thức hòa bình của chúng tôi vào ngày 23/2 tới. Tôi cho rằng việc có một lập trường nhất quán rất quan trọng. Tôi chưa nhận được kế hoạch hòa bình cụ thể từ Trung Quốc" -  hãng tin Pravda dẫn phát biểu của Tổng thống Ukraine trong cuộc họp báo với Thủ tướng Italia Giorgia Meloni tại Kiev hôm 21/2.

“Công thức hòa bình” mà ông Zelensky đưa ra gồm 10 điểm, trong đó có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ của Ukraine, bồi thường chiến tranh.

Nhà lãnh đạo Ukraine không ngừng kêu gọi các nước trên thế giới ủng hộ kế hoạch hòa bình này. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ “công thức hòa bình” của Ukraine, coi đó là những đề xuất "không thể chấp nhận được".

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine bế tắc từ cuối tháng 3 năm ngoái sau cuộc họp ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Mâu thuẫn chính là các bên đưa ra các đề xuất mà đối phương cho là không thể chấp nhận.

Trung Quốc gần đây đang nỗ lực thể hiện vai trò trung gian hòa giải. Tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) hôm 18/2, ông Vương Nghị công bố rằng Trung Quốc có một kế hoạch hòa bình và sẽ được đưa ra vào đúng ngày chiến dịch quân sự của Nga tròn một năm.

 Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 18/2. Ảnh: AFP
 Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 18/2. Ảnh: AFP

Ông Vương Nghị không phác thảo bất kỳ chi tiết cụ thể nào của kế hoạch nhưng nói rằng “sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền” của những bên liên quan cần được tôn trọng, cũng như “những lo ngại về an ninh chính đáng” của các bên. Ông nói: “Các cuộc tấn công vào các nhà máy điện hạt nhân” cũng phải bị phản đối, ám chỉ nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye mà Ukraina và Nga cáo buộc nhau pháo kích.

Theo ông Vương Nghị, Trung Quốc có vị thế tốt để làm trung gian hòa bình, vì Bắc Kinh “không phải là bên liên quan trực tiếp, nhưng đã không ngồi yên” kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bắt đầu gần một năm trước.

Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay, kế hoạch của Bắc Kinh gồm kêu gọi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ cũng như đề xuất đảm bảo an ninh cho các cơ sở hạt nhân, cấm sử dụng vũ khí hóa học, sinh học. Ngoài ra, đề xuất còn bao gồm kêu gọi các bên ngừng bắn, phương Tây dừng viện trợ vũ khí cho Ukraine.

EU bày tỏ sự hoài nghi về sáng kiến hòa bình Ukraine của Trung Quốc. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans nhấn mạnh, hòa bình chỉ có thể đạt được nếu Nga rút khỏi biên giới Ukraine được xác định vào năm 1991.