Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ukraine nói gì khi Mỹ - Đức đạt thỏa thuận đột phá về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2?

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng, thỏa thuận Mỹ - Đức về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 cần đảm bảo an ninh mạnh mẽ hơn cho Kiev.

Phát biểu với báo giới ngày 22/7, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cho biết, Ukraine vẫn hoài nghi về khả năng thỏa thuận giữa Mỹ và Đức có thể giảm thiểu mối đe dọa an ninh do tuyến đường ống khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) gây ra.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ảnh: Reuters 
Bộ trưởng Kuleba nói rằng Ukraine hiện chưa chắc chắc về việc Nga sẽ tôn trọng các nghĩa vụ của mình đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, đồng thời lưu ý: "Chúng tôi muốn tuyên bố của Mỹ - Đức liên quan đến an ninh mạnh mẽ hơn".
Trước đó, hôm 21/7, Ngoại trưởng Kouleba thông báo, nước này đã bắt đầu các cuộc tham vấn chính thức với Liên minh châu Âu (EU) và Đức về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga qua biển Baltic tới Đức.
Theo ông Kouleba, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đe dọa an ninh của Ukraine và vi phạm nguyên tắc về đa dạng hóa của liên minh năng lượng châu Âu.
Ngoại trưởng Kuleba nói rằng thỏa thuận Mỹ - Đức về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đã gây ra các mối đe dọa về chính trị, quân sự và năng lượng đối với Ukraine và Trung Âu. “Thật không may, các giải pháp trong thỏa thuận Mỹ - Đức hiện chưa đủ khả năng hạn chế hiệu quả các mối đe dọa do Dòng chảy Phương Bắc 2 gây ra” - Bộ trưởng Kuleba cho biết trong một tuyên bố chung với người đồng cấp Ba Lan Zbigniew Rau hôm 21/7.
Cũng trong ngày 21/7, Đức và Mỹ thông báo đạt được thỏa thuận về dự án Dòng chảy phương Bắc 2, trong đó cảnh báo sẽ trừng phạt Nga nếu nước này sử dụng năng lượng như một vũ khí chính trị để gây tổn hại đến an ninh của Ukraine hay bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác.
Ukraine nhiều lần lên tiếng phản đối xây dựng tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga khi nói rằng dự án là mối đe dọa đối với an ninh và an ninh năng lượng của châu Âu. Kiev lo ngại Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí chống lại nước này và mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt sau khi dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đưa vào vận hành.
Theo thỏa thuận được công bố ngày 21/7, Đức và Mỹ nhất trí hỗ trợ gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine (theo kế hoạch hết hiệu lực vào năm 2024), kéo dài thêm 10 năm nữa. Bên cạnh đó, hai bên cũng thống nhất nỗ lực để giảm thiểu sự phụ thuộc của Ukraine vào khí đốt của Nga cũng như doanh thu trung chuyển khí đốt. 
Tuy nhiên, Yuriy Vitrenko - giám đốc Công ty năng lượng quốc gia Naftogaz nói với Reuters rằng ông không nghĩ rằng Nga sẽ tiếp tục vận chuyển khí đốt qua Ukraine sau khi thỏa thuận hiện tại hết hiệu lực vào năm 2024.
Trong một diễn biến liên quan, Washington đã cử Tham tán Bộ Ngoại giao Mỹ Derek Chollet đến Kiev để thảo luận về những lo ngại của Ukraine liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Nhà Trắng hôm 21/7 cũng thông báo, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy sẽ có chuyến thăm Mỹ và cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tháng 8 tới.
Tổng thống Zelenskiy cho biết, ông đã có kế hoạch thảo luận "thẳng thắn và sôi nổi" với Tổng thống Biden về Nord Stream 2 trong cuộc gặp sắp tới.