Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ukraine quyết giành lại Crimea, muốn được hỗ trợ tên lửa hành trình tầm xa

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine Tướng Valery Zaluzhny cho biết khi Kiev có đủ vũ khí và phương tiện cần thiết, nước này sẽ quyết giành lại Crimea.

Tổng Tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valery Zaluzhny. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine
Tổng Tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valery Zaluzhny. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine

Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny nhận định với Washington Post ngày 14/7 rằng Mỹ đã hạn chế việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa và buộc quân đội nước này phải ứng biến để tấn công Nga.

"Để cứu sống người dân, tại sao chúng tôi phải xin phép ai đó về những gì được làm trên lãnh thổ của mình?" - ông Zaluzhny đặt câu hỏi trong cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi với Washington Post.

Theo ông Zaluzhny: "Vì một vài lý do, tôi phải nghĩ rằng tôi không được phép làm bất kỳ điều gì ở đây. Tại sao? Bởi vì Tổng thống Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân ư?”

Tướng Zaluzhny lập luận rằng, việc tấn công đối phương thế nào thuộc quyền quyết định của Ukraine.

Theo ông Zaluzhny, ông tránh các giới hạn của phương Tây bằng cách sử dụng những vũ khí được sản xuất ở Ukraine để tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới, điều mà giới chức Kiev hầu như không trực tiếp thừa nhận.

Bộ Quốc phòng Ukraine gần đây chỉ thừa nhận vụ tấn công cầu Crimea vào tháng 10/2022.

Ông Zaluzhny cũng phàn nàn rằng phương Tây không cung cấp cho Ukraine đủ vũ khí để chiến đấu. Ông muốn giành ưu thế trên không, nhận được tên lửa hành trình tầm xa và sở hữu đạn pháo nhiều nhất có thể để đối phó với hỏa lực của Nga.

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn báo Mỹ, tướng Zaluzhny tuyên bố khi Kiev có đủ vũ khí và phương tiện cần thiết, nước này sẽ quyết giành lại Crimea - bán đảo Nga đã sáp nhập năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý.

"Ngay khi có đủ phương tiện, tôi sẽ làm điều gì đó. Tôi sẽ không quan tâm đến gì hết - không ai có thể ngăn cản tôi" - ông Zaluzhny nhận định với Washington Post.

Ukraine gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ và đồng minh về vũ khí, trang thiết bị và đạn dược trong giai đoạn này. Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Nga, phương Tây đã cung cấp 100 tỷ USD hỗ trợ vật chất cho Ukraine trong năm 2022.

Chiến dịch phản công của Ukraine được tiến hành vào đầu tháng 6 song cho đến nay không đạt được bất kỳ thành quả đáng kể nào. Các lực lượng của Kiev đối mặt với tổn thất lớn khi tìm cách thâm nhập vào các phòng tuyến của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, việc phương Tây vận chuyển vũ khí cho Ukraine sẽ không giúp ích đáng kể cho Kiev trên chiến trường mà "chỉ làm tình hình tệ hơn cho phía Ukraine" và khiến xung đột leo thang. Ông cũng chỉ ra rằng, một số bên đang cố ý kéo dài xung đột.