Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu: Vẫn loay hoay tìm giải pháp

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc nhiều ngày qua đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về hệ lụy của xuất khẩu tiểu ngạch nông sản sang Trung Quốc. Nếu không sớm có giải pháp căn cơ giải quyết dứt điểm tình trạng này thì thiệt hại về kinh tế là không nhỏ.

Ùn ứ hơn 3.500 xe hàng hóa

Thông tin từ Bộ Công Thương, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lại tái diễn tình ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu. Tính đến ngày 27/2, tổng số xe chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng) là hơn 3.500 xe.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến ùn ứ hàng hóa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, hiện, toàn tuyến biên giới với Trung Quốc có 76 cửa khẩu, trong đó, chỉ có 13 cửa khẩu quốc tế và quốc gia là xuất khẩu chính ngach, còn lại 63 cửa khẩu phụ, lối mở là xuất khẩu tiểu ngạch.

Điều đáng quan tâm, hàng hoá xuất khẩu tiểu ngạch thường không có hợp đồng định trước nên rủi ro rất cao.

Ùn tắc xe chở hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đang tái diễn
Ùn tắc xe chở hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đang tái diễn

Bên cạnh đó, tại các tỉnh phía Nam vào cao điểm vụ thu hoạch nông sản (thanh long, dưa hấu, mít…), các xe hàng dồn lên cửa khẩu rất nhiều, có ngày lên đến 800-1.000 xe/cửa khẩu, gây nên tình trạng ùn tắc.

Trong khi đó, các cửa khẩu đều nằm ở khu vực đồi núi nên hạ tầng, diện tích, khả năng thông quan hạn chế. Ngoài ra, khi số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam tăng lên, Trung Quốc cũng yêu cầu tạm dừng sử dụng đội xe chuyên trách trong vùng đệm nên số lượng lái xe chuyên trách cũng giảm xuống, dẫn đến việc lượng xe thông quan sụt giảm.

Trước tình hình lượng xe dồn lên khu vực cửa khẩu khá cao, mới đây, tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định dừng tiếp nhận các xe nông sản lên cửa khẩu đến hết ngày 5/3/2022. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà, hiện nay, số xe chở hoa quả tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đang chiếm 70%.

Thế nhưng, với năng lực thông quan 90-100 xe/ngày phải mất 15-20 ngày mới thông quan hết lượng xe này. Bởi vậy, Lạng Sơn đã có yêu cầu các địa phương tạm dừng đưa xe lên cửa khẩu, song vẫn có 50-70 xe lên cửa khẩu mỗi ngày với lý do đi qua Lạng Sơn để mang đến các địa phương như Cao Bằng nhằm tiêu thụ nội địa. Khi chưa tiêu thụ được, nhiều xe cũng dừng ở Lạng Sơn.

Để hạn chế ùn tắc từ ngày 23/2, Lạng Sơn đã thí điểm hình thức giao nhận hàng hoá không tiếp xúc bằng cách hàng hóa lên cửa khẩu, cắt container để Trung Quốc đưa về và khử khuẩn bên cửa khẩu phía bạn. Nếu làm theo cách này, năng lực thông quan hàng hóa của 2 cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị có thể lên tới 350 xe/ngày.

Theo bà Đoàn Thu Hà, giải pháp này sẽ làm phát sinh chi phí và cũng không phải là giải pháp tối ưu nhưng phù hợp trong bối cảnh đang khó khăn, khi phía bạn vẫn siết chặt kiểm soát Covid-19.

Khẩn trương cải thiện tốc độ thông quan

Từ trước Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương nghiên cứu, đưa ra phương án cải thiện tốc độ thông quan tại các cửa khẩu nhằm tránh tái diễn tình trạng ùn tắc hàng hoá xuất nhập khẩu tại biên giới.

 

Các địa phương cần chú trọng việc hướng dẫn nông dân, thương lái cách thức để đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí về đóng gói, bao bì nhãn mác, mã vạch, QR Code… để hàng hóa lên đến cửa khẩu không bị mắc những lỗi nhỏ cơ bản khiến phía nước bạn từ chối thông quan.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã có văn bản số 759/BCT-XNK báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xây dựng "luồng xanh". Cụ thể, theo hình thức này, UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai có thể bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để tiến hành khử khuẩn cho hàng hóa và phương tiện cũng như lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho lái xe tại các bãi này.

Về giải pháp “luồng xanh”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phân tích: “Ví dụ, hiện khu vực cửa khẩu Tân Thanh, mỗi lần tiến hành khử khuẩn tại km số 0 chỉ được 6 xe, mỗi lần khử khuẩn 1 tiếng nên rất mất thời gian, số xe thông quan ít. Nên nếu chỉ khử khuẩn 1 lần tại bãi tập kết, số xe được khử khuẩn và số xe thông quan sẽ tăng lên rất nhiều”.

Mặt khác, nếu phát hiện phương tiện, hàng hóa nhiễm SARS-CoV-2 bên phía Trung Quốc, theo quy định Trung Quốc sẽ phải ngừng hoạt động thông quan để khử khuẩn toàn bộ khu vực cửa khẩu, đôi khi mất tới 1-2 ngày. Trong khi đó, nếu phát hiện phương tiện, hàng hóa, lái xe nhiễm SARS-CoV-2 trên đất Việt Nam, chỉ cần không cho phương tiện đó ra cửa khẩu là đủ.

Đồng tình với với đề xuất của Bộ Công Thương, tại Hội nghị trực tuyến về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ, phối hợp với cơ quan hữu quan của Trung Quốc để thiết lập mô hình "vùng xanh" chung của hai nước.

Ngoài ra, việc bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để cùng tiến hành khử khuẩn cho hàng hóa và phương tiện cũng như lấy mẫu xét nghiệm cho lái xe. Các phương tiện và lái xe đã được hai bên xác nhận âm tính có thể đi thẳng qua biên giới để vào bãi sang tải, không phải qua khử khuẩn hoặc xét nghiệm lần 2.

Về dài hạn, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Quốc phòng, Tài chính, NN&PTNT, các địa phương khẩn trương thành lập tổ nghiên cứu chính sách.

Theo đó, trong vòng 15 ngày tổ phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách quy định rõ về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng hàng hoá đủ điều kiện xuất khẩu tiểu ngạch cùng như cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.