Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng dụng công nghệ cao để phòng chống tội phạm rửa tiền

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 11/6, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an Việt Nam và Cảnh sát liên bang Australia (AFP) tại Hà Nội phối hợp với trường đại học RMIT tổ chức khai giảng khoá đào tạo Arlemp lần thứ 31 trong chương trình hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Cảnh sát Liên bang Australia về đào tạo bồi dưỡng cán bộ thực thi pháp luật khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ứng dụng công nghệ cao để phòng chống tội phạm rửa tiền - Ảnh 1
Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa.
Chương trình năm nay được tổ chức với chủ đề "Chống tội phạm rửa tiền" có sự tham gia của 22 cán bộ thực thi pháp luật đến từ 18 quốc gia trong khu vực châu Á. Nhân dịp này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an về vấn đề này.

Xin Thiếu tướng cho biết diễn biến của loại tội phạm rửa tiền ở Việt Nam hiện nay?

- Trong tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, các loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có tội phạm rửa tiền. Loại tội phạm này ngày càng có nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động mới liên quan đến các quốc gia và các lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt là các hoạt động rửa tiền “sở hữu chéo”, “chuyển giá” trong các doanh nghiệp, công ty đa quốc gia… Trên thế giới, loại tội phạm này đã xuất hiện từ lâu nhưng với Việt Nam thì đây là vấn đề mới.

Thiếu tướng Chris McDevitt, Trưởng Sĩ quan Liên lạc Cảnh sát liên bang Australia tại Hà Nội: Lời khuyên mạnh mẽ nhất đối với tôi là giống như ở Australia, chúng tôi luôn luôn đưa ra thông điệp cho các ngân hàng là phải biết rõ về khách hàng của mình, phải biết rõ là họ làm về lĩnh vực gì, nguồn tiền đó từ đâu ra, có hợp pháp hay không. Chúng ta phải biết thật rõ nguồn gốc doanh nghiệp cũng như nguồn tiền của họ.

Sự phối hợp giữa Việt Nam và nước ngoài về phòng chống tội phạm rửa tiền được thực hiện như thế nào?

-  Ở Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an và các ngành ngân hàng, tài chính. Chúng ta cũng cử nhiều đoàn nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia khác, phối hợp đấu tranh thông qua các kênh Interpol, các Trung tâm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia của Việt Nam, Australia cũng như một số nước khác... Những hoạt động trên đã có kết quả tích cực trong việc phối hợp, hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm rửa tiền.

Sự phát triển của công nghệ thông tin làm cho hành vi tội phạm rửa tiền tinh vi hơn. Bên cạnh đó, người Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt trong giao dịch, thanh toán, điều này cũng gây khó khăn trong kiểm soát dòng tiền. Ngành công an có chiến lược gì để đối phó với tình trạng này?

- Hiện nay, chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý, đồng thời có kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam cũng như phối hợp với cảnh sát khu vực và quốc tế. Vấn đề này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, nếu chỉ riêng lực lượng công an sẽ rất khó khăn. Đồng thời, theo tôi, chúng ta cần tiến tới cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt, mặc dù để thực hiện sẽ có nhiều khó khăn nhưng chúng ta phải thực hiện từng bước. Quan trọng hơn là đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm công nghệ cao nói riêng và nhất là tội phạm rửa tiền. Đồng thời cũng có những cảnh báo cho người dân biết về tình trạng rửa tiền đã và đang xảy ra ở Việt Nam.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!