85 trẻ em đã được chăm sóc tốt
Ngày hôm qua (4/9), dư luận rúng động và vô cùng căm phẫn khi xem những hình ảnh trong bài phản ánh của báo Thanh niên có tiêu đề “Tội ác trong một mái ấm” nói về trẻ mồ côi tại Cơ sở trợ giúp xã hội Mái ấm Hoa Hồng (gọi tắt là Cơ sở Mái ấm Hoa Hồng; địa chỉ: phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP Hồ Chí Minh) bị bảo mẫu ngược đãi, đánh đập dã man.
Sau một ngày làm việc, lực lượng chức năng đã đưa 85 trẻ em từ Cơ sở Mái ấm Hoa Hồng vào Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình và Làng Thiếu niên Thủ Đức để chăm sóc, nuôi dưỡng. Phòng LĐTB&XH quận 12, UBND phường Trung Mỹ Tây đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh làm rõ vụ việc theo quy định...
Ngày 5/9, trao đổi với báo chí về vụ việc bạo lực trẻ em tại Cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH Đặng Hoa Nam cho biết, đến nay, các bé đã an toàn và được chăm sóc tốt.
Theo ông Đặng Hoa Nam, bạo lực trẻ em có thể xảy ra ở những nơi không có sự giám sát, kiểm tra. Trong khi của cơ quan chức năng không đủ nhân lực để thanh tra, kiểm tra. Vì thế, phải có nhân viên công tác xã hội nhằm kịp thời phát hiện và hỗ trợ trẻ em.
Một vấn đề nữa, đó là Cơ sở Mái ấm Hoa Hồng được cấp phép chăm sóc không quá 39 đối tượng nhưng thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra cho thấy có tới 86 trẻ em. Thậm chí, có lúc lên tới 100 trẻ em nên trẻ không được chăm sóc tốt và mất an toàn do nhân viên làm việc quá tải.
Theo quy định tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, chăm sóc trẻ tập trung chỉ là giải pháp cuối cùng. Vì thế, khi thanh, kiểm tra thì phải kiểm tra luôn việc người đứng đầu cơ sở có lập danh sách trẻ; thường xuyên liên lạc, kết nối với địa phương, gia đình (nếu có) để đưa trẻ trở lại môi trường gia đình, giúp các em được chăm sóc tốt nhất.
Đối với các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí và tiếp nhận các nguồn hỗ trợ như Mái ấm Hoa Hồng thì trong quá trình thanh tra cũng phải xử lý việc không lập sổ sách, không công khai nguồn lực tài chính, vật chất để tránh trục lợi, lợi dụng chăm sóc trẻ, thu hút tài trợ không hợp lý.
Bố trí nhân lực làm công tác bảo vệ trẻ em
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, hiện nay lỗ hổng lớn nhất chính là nhân lực bảo vệ trẻ em cấp xã. Luật Trẻ em đã quy định việc bố trí những công chức làm công tác bảo vệ trẻ em, giúp chủ tịch UBND cấp xã phát hiện sớm, phòng ngừa và xây dựng các kế hoạch hỗ trợ, can thiệp cho đối tượng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại. Tuy nhiên, vấn đề này hiện đang gặp khó khăn, đó là: công tác bảo vệ trẻ em, phần lớn được giao cho công chức LĐTB&XH vốn đã rất nhiều việc và thường xuyên quá tải. Do đó, những công chức này không đủ năng lực hoặc thời gian để đáp ứng những quy định của Luật Trẻ em, Nghị định 56/2017/NĐ-CP.
“Chúng ta cần phải nhân rộng bài học của một số địa phương, HĐND đã ra nghị quyết bố trí nhân lực làm công tác bảo vệ trẻ em. Về lâu dài, cần có đội ngũ nhân viên công tác xã hội, thanh tra của địa phương hoặc tổ chức chính trị xã hội có chức năng kiểm tra, giám sát các hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng trẻ ở tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. Có như vậy, mới phòng ngừa, kéo giảm được tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ ngay chính trong các gia đình, cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ” – Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam đề nghị.
Và để khắc phục, giảm thiểu tối đa tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em thì rất cần nghiên cứu để bổ sung những quy định của pháp luật về những điều kiện hoạt động của các dịch vụ bảo vệ trẻ em, trong đó có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. “Chúng ta đề xuất các biện pháp sử dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để có cơ sở dữ liệu, cơ sở thông tin để phát hiện sớm ngăn chặn kịp thời những hành vi bạo lực đối với trẻ trong các cơ sở chăm sóc tập trung” – ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Nhiều năm làm quản lý và gắn bó với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Trọng An cho rằng, song song với việc rà soát, chấn chỉnh các cơ sở trợ giúp xã hội thì cần xem lại quy chuẩn, tiêu chuẩn thế nào là mái ấm tình thương, trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương khi có cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập hoạt động trên địa bàn, trách nhiệm của người đứng đầu quản lý cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc trẻ và thường xuyên kiểm soát, kiểm tra chéo.
Cùng với đó là phải có quy định về trình độ và kỹ năng của bảo mẫu; số lượng trẻ trong cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, trẻ em đến tuổi nào thì được chuyển đi đến cơ sở giáo dục.
Theo ông Nguyễn Trọng An, Hội Bảo vệ quyền trẻ em cấp TP cũng nên đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chăm sóc trẻ em. Để qua đó, trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất, để có điều kiện phát triển.