Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng dụng công nghệ trong quản lý đô thị: Xu hướng tất yếu

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình đô thị hóa tại Việt Nam, Hà Nội là đô thị có tốc độ phát triển nóng nhất hiện nay cùng với TP Hồ Chí Minh.

Từ đó đặt ra những thách thức về môi trường, hạ tầng, nguồn nhân lực và hàng loạt chính sách liên quan đến phát triển đô thị. Ứng dụng công nghệ số có vai trò quan trọng trong việc thay đổi phương pháp lập quy hoạch và quản lý đô thị.
Công tác quản lý chưa phù hợp
Trong khoảng thời gian chưa đầy 20 năm, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, tốc độ đô thị hóa tại Hà Nội đã diễn ra một cách mạnh mẽ chưa từng có. Mô hình nhà cao tầng trên cơ sở kinh doanh thương mại được mọc lên tại các dự án đô thị mới, trong đó Khu đô thị (KĐT) Trung Hòa – Nhân Chính là một trong những đô thị mới cao tầng đầu tiên của Hà Nội, được thiết kế với những tòa nhà có chiều cao từ 25 - 34 tầng.
 Một góc TP Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị, ở thời điểm đó, KĐT Trung Hòa – Nhân Chính đã tạo ra một phong cách mới và trực tiếp góp phần làm thay đổi diện mạo về kiến trúc của Thủ đô. Không những vậy, KĐT mới này còn nằm ở vị trí đặc biệt thuận lợi do được liên kết với đường Vành đai 2, Vành đai 3 và cũng nằm ở điểm xuất phát của Đại lộ Thăng Long cửa ngõ phía Tây của Thủ đô; khu vực này càng được nâng tầm khi Thủ đô được Quốc hội thông qua Đồ án mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008.
Nhưng trên thực tế, theo số liệu khảo sát về kiến trúc, quy hoạch và công năng sử dụng các tòa nhà chung cư cao tầng của Bộ Xây dựng, tại nhiều lô đất ở tại KĐT này có mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất (HSSDĐ) vượt quá quy chuẩn cho phép. Cá biệt, có những khu vực HSSDĐ lên tới trên 7,3 lần.
Sự “mở màn” tại KĐT Trung Hòa – Nhân Chính đã kéo theo hàng loạt khu chung cư cao tầng khác “ồ ạt” mọc lên. Các khu chung cư, KĐT được xây dựng về sau càng có xu hướng vi phạm nguyên tắc cơ bản của quy chuẩn xây dựng về quy hoạch, cụ thể như: Linh Đàm, Ciputra, Đặng Xá, Skylight... đều có HSSDĐ bình quân từ 4 – 5 lần.
Đặc biệt, tại KĐT Linh Đàm, khu đất ở trung tâm bán đảo dự kiến xây dựng văn phòng đã bị chuyển đổi thành đất ở, trong đó tòa nhà VP3 và VP5 với hệ số chiếm đất lên tới trên 90% và chiều cao 33 tầng (vượt 8 tầng so với quy hoạch).
Theo ông Lý Văn Vinh – Viện Kiến trúc Quốc gia, phần lớn các công trình hạ tầng cao tầng đều được xây dựng trên mặt bằng có hình chữ nhật hẹp, dài được nối với nhau bằng hành lang giữa không thuận tiện cho thông gió và chiếu sáng tự nhiên; xây dựng ít hoặc không có tầng hầm để xe... Điều này là do các chủ đầu tư tận dụng mặt bằng để làm không gian chính nên các dự án đều có mật độ xây dựng và HSSDĐ cao.
“Vấn đề này xảy ra do công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch lỏng lẻo, chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, những công cụ hỗ trợ như hệ thống cung cấp thông tin về các thông số, dữ liệu... còn lạc hậu, khiến cho công tác tìm kiếm thông tin quy hoạch còn khó khăn” - ông Vinh nói.
Số hóa thông tin quy hoạch
Nhìn nhận thực tế về những hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch của Thủ đô, Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Lê Vinh cho biết, công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch xây dựng nói riêng trên địa bàn Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế như chất lượng một số đồ án chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình lập dự án đầu tư.
Tiến độ thực hiện các đồ án còn chậm, đặc biệt là các đồ án quy hoạch, còn nhiều đồ án tồn tại từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. “Bên cạnh đó, nhiều trường hợp vi phạm xây dựng, sai thiết kế vẫn xảy ra do công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chủ đầu tư bộc lộ những hạn chế” - ông Vinh nói.
Các chuyên gia về quy hoạch và quản lý đô thị đều cho rằng, công tác quản lý quy hoạch của Thủ đô còn hạn chế là do hệ thống quản trị thông tin quy hoạch chủ yếu vẫn được lưu trữ và tra cứu theo hình thức truyền thống đó là hồ sơ. Vì vậy, tất cả các thông tin liên quan đến quy hoạch cần phải được số hóa.
KTS Nguyễn Trọng Huấn - Hội KTS Việt Nam cho biết, việc ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý quy hoạch đã được các nước phát triển thực hiện từ lâu. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, các đô thị lớn như London, Paris, Chicago, Tokyo, Singapore, Seoul... đã triển khai đồng bộ công nghệ số trong công tác quy hoạch và vẫn phát triển hiệu quả cho đến ngày nay.
“Thời gian qua, Hà Nội đã thu được những kết quả tích cực từ việc ứng dụng của công nghệ số trong quản lý giao thông thông minh. Nhưng cần phải mở rộng ra nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, như hệ thống quy hoạch, quản lý thông tin đất đai, quản lý thông tin quy hoạch, quản lý nhân lực, quản lý điều hành hệ thống công ích, quản lý hộ khẩu, y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao...” - KTS Nguyễn Trọng Huấn nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong các công đoạn quy hoạch và hoạt động quản lý đô thị đều cần phải dựa trên cơ sở phân tích thông tin. Cơ sở dữ liệu càng đầy đủ, chi tiết và chính xác, công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh càng hiệu quả. Từ đó, đô thị sẽ tránh đi phải “vết xe” của những khu đô thị dày đặc nhà cửa, thiếu không gian công cộng, cây xanh, vườn hoa, hồ nước. Hay những toà nhà mọc lên san sát nhưng lại thiếu không gian mở... Vài năm gần đây, nhiều chủ đầu tư cũng như các nhà quản lý đã chú trọng hơn vấn đề này khi quy hoạch, xây dựng khu đô thị mới, với nhiều tiện ích mang lại nét tươi mới cho đô thị và nâng chất lượng cuộc sống của cư dân.

"Hệ thống quản trị bằng công nghệ sẽ hỗ phương pháp phân tích khoa học đa tiêu chí, phân tích, đánh giá tổng hợp dựa trên 3 phương diện phát triển bền vững gồm kinh tế, xã hội và môi trường." - KTS Nguyễn Trọng Huấn Hội KTS Việt Nam