Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng phó với biến đổi khí hậu: Không chỉ trông chờ vào nhà nước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Nắng mưa là bệnh của trời”. Thế nhưng kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, chính biến đổi khí hậu (BĐKH) là nguyên nhân khiến thời tiết thất thường.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn & Môi trường, người chủ trì nhóm nghiên cứu xây dựng kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam, năm 2009 và hiện nay.

- Còn hơn một tháng nữa là hết năm 2011, thời tiết Hà Nội vẫn chưa rét, liệu có phải do BĐKH, thưa ông?

Điều này thật khó nói nên tôi không dám khẳng định rét muộn là do BĐKH hay do lý do gì. Thời tiết đang thay đổi thất thường, còn trường hợp cụ thể của năm nay hay năm khác, tôi không dám nói. Nhưng theo tôi, chính BĐKH gây ảnh hưởng khiến thời tiết thất thường hơn.

- Theo ông, BĐKH đã ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam như thế nào? Hà Nội chịu tác động gì từ BĐKH?

Trong những năm qua, BĐKH đã có những tác động trực tiếp đến Việt Nam. Hiện nay, các công trình nghiên cứu khoa học đã có cơ sở để khẳng định, BĐKH không còn là dự báo mà đã và đang xảy ra, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tôi lấy ví dụ: Trong 50 năm qua, nhiệt độ ở Việt Nam tăng 0,5 độ và mực nước biển dâng lên 0,2 mét. Những tác động của thiên tai, đặc biệt lũ lụt, hạn hán đã có những tác động mạnh, gây thiệt hại lớn ở nhiều địa phương trong cả nước.

Những người nghèo, những người nông dân, phụ nữ trẻ em, người già, đặc biệt là những người dân nghèo sống ở ven bờ biển hoặc ở các vùng núi cao là đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị tác động nhất do BĐKH. Mặc dù, BĐKH tác động tới tất cả mọi người, nhưng những đối tượng kia ít có điều kiện ứng phó với BĐKH nên họ thường bị tổn thương nhiều hơn. Vì vậy, người dân phải có ý thức thích ứng, ứng phó với BĐKH chứ không chỉ trông chờ vào những hành động từ nhà nước. Ví dụ, khi xây dựng nhà cửa, người dân sống ở các vùng thường xuyên bị lũ lụt phải chú ý tới các nguy cơ ngập lụt, chủ động ứng phó bảo vệ sức khỏe, nhà cửa, tài sản, bảo vệ con cái khỏi tổn thương do thiên tai.

Chúng ta đã thấy năm 2008, ở Hà Nội xảy ra trận ngập lụt lịch sử trên toàn thành phố, tác động mạnh đến Hà Nội khiến mưa gió thất thường. Khi xảy ra trận lụt này, các trạm bơm ở Hà Nội đều hoạt động hết công suất hạn chế bớt úng ngập. BĐKH còn gây ra mưa lớn trong mùa lũ khiến cho việc thoát nước gặp khó khăn. Với Hà Nội, hệ thống thoát nước vô cùng quan trọng. Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện dự án tiêu thoát cho Hà Nội. Tôi hy vọng, dự án này có hiệu quả trong việc chống úng ngập cho Hà Nội. Ngoài úng ngập, những đợt nắng nóng khủng khiếp do BĐKH cũng ảnh hưởng rất lớn. Có thể nói những khó khăn từ cấp nước, thoát nước, nắng nóng dễ gây ra các bệnh tật, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân Thủ đô.

- Chúng ta đã có những chương trình, hành động gì để ứng phó với BĐKH, thưa ông?

Hiện nay còn 50% tỉnh, thành của Việt Nam chưa xây dựng được kế hoạch hành động để ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, không thể nói các địa phương chưa có ý thức hay bình thản trong việc ứng phó. BĐKH là một vấn đề rất mới dù Bộ TN&MT đã có hướng dẫn đánh giá tác động của BĐKH cũng như trong việc xây dựng các giải pháp, kế hoạch hành động ứng phó BĐKH. Nhưng thực tế, đối với các địa phương, năng lực của các cán bộ trong tỉnh vẫn còn rất yếu nên mặc dù được sự nhắc nhở rất nhiều từ trung ương, các tỉnh vẫn chưa đáp ứng được. Chính vì thế, việc tăng cường năng lực cho địa phương rất quan trọng. 

Thế giới rất quan tâm BĐKH ở Việt Nam, vì họ biết rằng Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa nuôi sống hơn 80 triệu người dân Việt Nam mà còn xuất khẩu nuôi dân chúng của nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy, các nước có nhiều hỗ trợ, đặc biệt chú trọng vào Đồng bằng sông Cửu Long để đảm bảo an ninh lương thực cho không chỉ riêng Việt Nam mà còn là an ninh lương thực cho cả thế giới. 

- Xin cảm ơn ông!