KTĐT - Chúng tôi về thăm đình làng Phù Yên (xã Vân Nội, huyện Ứng Hoà) cùng nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. Ở tuổi 85 như ông, không dễ gì tham gia chuyến điền dã như thế.
Song, ông bảo, Phù Yên là nơi ông đã từng sơ tán và trong ký ức của ông vẫn còn nhớ rất rõ về quần thể di tích lịch sử gồm chùa, đình và miếu. Ông muốn thăm lại cảnh xưa, nơi có ngã ba Ba Thá - ngã ba sông Đáy - một con gà gáy cả 3 huyện Mỹ Đức, Ứng Hoà và Chương Mỹ cùng nghe…
Đến mới biết, năm 1954, giặc Pháp đã "xoá sổ" chùa, đình, miếu. Mãi đến năm 2004, chùa Trang Nghiêm và miếu thờ Mẫu Liễu Hạnh mới được phục dựng. Còn đình Phù Yên cùng những câu chuyện về sự uy nghi của nó trong cuộc kháng chiến chống Pháp dường như chỉ còn trong câu chuyện kể của các bậc cao niên trong làng.
Theo lời kể thì đình Phù Yên thờ Tiền Lý Nam Hoàng đế quân, được xây dựng từ khi nào, không ai rõ. Song, người dân trong làng thường nhắc lại rằng: Con đê sông Đáy được đắp vòng sau đình từ thời nhà Lý. Ngày trước, đình có 7 gian 4 mái, dài khoảng 15m, thẩm cung sâu 7m. Toàn bộ khuôn viên đình rộng khoảng 3000m2. Những ngày tiền khởi nghĩa, nơi đây là điểm những nhà hoạt động cách mạng của làng như Thiếu tướng Ngô Văn Tại, Thiếu tá Tạ Văn Ấn… họp bàn. Năm 1950, giặc Pháp chiếm đóng, lấy đình làng làm bốt tiền tiêu.
Năm 1954 khi về giải phóng làng, bộ đội đã đào hầm xung quanh đình và bốt ở ngã ba Ba Thá. Giặc Pháp bỏ bom vào đình làm bay hết ngói, nhưng bộ xương của đình và 18 cột vẫn đứng trơ trơ. Rồi sau đó 4 - 5 hôm, chúng đã bỏ bom Napan khiến đình bị cháy rụi, trơ lại những đế cột bằng đá. "Khi giặc Pháp bỏ bom, cả làng chạy về làng Cầu xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức (Hà Tây cũ). Các cụ mang theo được 3 cái kiệu (kiệu mẫu, kiệu đức thượng đẳng và kiệu các quan), dỡ vội bộ cửa võng treo trước thẩm cung. Đến giờ chúng tôi vẫn giữ những vật quý giá này tại nhà sắc của làng", cụ Đỗ Văn Hương, 76 tuổi, Trưởng ban tổ chức Mặt trận thôn Phù Yên nhớ lại. Cụ Ngô Văn Nghinh (73 tuổi) thì nói trong niềm xót xa: "Lúc giặc Pháp tháo chạy hoàn toàn, cả làng trở về, đến đình tìm nhặt những gì còn lại. Phần cột đình bị đốt cháy dở được cưa ra làm bàn ghế học sinh. Những đế cột bằng đá thì mang về sân hợp tác xã làm cối đập lúa. Từ đó đất đình để không!".
Dù đình làng Phù Yên đã bị giặc Pháp đốt phá, nhưng sức sống của phong tục, tập quán, tín ngưỡng nơi đây vẫn được truyền lại từ đời này qua đời khác. Trên phần đất của đình tuy không còn thẩm cung, thiêu hương, song các cụ vẫn tổ chức tế lễ vào ngày hội làng (từ mùng 10 đến 13 tháng 2 Âm lịch). Ngày 12 chính hội, các cụ mời thêm làng kết nghĩa Lưu Xá (Chương Mỹ) sang. Làng Lưu Xá đi 4 thuyền, rước 4 kiệu sang, dừng thuyền ở bến ngự, lập đàn tế, sau đó rước về đình tế yến. "Có lần vào hội trời mưa, nhưng các cụ vẫn đội nón mà tế lễ ở đất đình" - cụ Đỗ Văn Hương nói - "Mà cũng chẳng kể ngày hội, những khi ngày tuần, ngày Rằm, hay ai có việc gì cần xin thần ban phúc, dù mưa to gió lớn vẫn một lòng đứng dưới mưa mà tế lễ. Thấy vậy chúng tôi họp bàn bằng mọi cách phải dựng lại đình. Mãi đến năm 1993, các cụ đã vận động nhân dân trong thôn cùng những người con xa quê hương đóng góp để dựng lại một phần thẩm cung bây giờ. Nói thực là phần thẩm cung này chỉ gọi là sơ sài để nhân dân có chỗ tế lễ chứ còn dân làng vẫn mong ước đến một ngày nào đó đình làng cùng với đền thờ Mẫu Liễu Hạnh được công nhận là di tích lịch sử để từ đó làng có cơ sở phục dựng như đình làng xa xưa".
Làng Phù Yên từ xa xưa đã nổi tiếng với quần thể văn hoá tín ngưỡng bên dòng sông Đáy. Tâm nguyện của người dân nơi đây như Trưởng thôn Hoàng Văn Trực nói: "Dân làng chúng tôi mong muốn đình làng sẽ được thành phố công nhận là di tích lịch sử cách mạng, đồng thời hỗ trợ kinh phí để phục dựng lại đình, tạo thành thế ba chân của quần thể di tích đình - chùa - miếu. Khi đình làng được phục dựng lại khang trang thì người dân làng Phù Yên mới yên tâm trong phần tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng".