Vừa qua, Phòng CSGT Công an Hà Nội phạt tài xế Nguyễn Văn Nam (SN 1963, trú huyện Thanh Trì) 17 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 5 tháng vì sau khi đo nồng độ cồn đều cho ra kết quả 0,622 miligam/1lit khí thở (vượt mức cao nhất 0,4 miligam/1lit khí thở).
Tổ công tác kiểm tra lái xe Nguyễn Văn Nam. |
Theo ông Nam, ông uống có 2 cốc bia, không mệt mỏi hay say bia nên vẫn lái xe. Nhiều người cho rằng, mức phạt này quá nặng, uống 2 ly bia vẫn tỉnh táo bình thường, nếu phạt như vậy thật bất công. Trước thông tin này, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế, thành viên trực tiếp soạn thảo Dự án Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia cho rằng, nếu người bị phạt uống 2 cốc bia 5% độ cồn tương đương với 26,7g cồn nguyên chất thì sau khoảng 15 - 20 phút khi hấp thu hoàn toàn thì nồng độ cồn trong máu đỉnh điểm có thể đạt tới 554,89mg/100ml. Theo các chuyên gia thì ở nồng độ cồn này người uống đã bị say, ảnh hưởng đến độ tập trung, khả năng điều khiển hành vi, thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng nếu tiếp tục uống và duy trì nồng độ cồn cao trong máu. Với kết quả đo nồng độ cồn của người uống rượu bia khi lái xe là 0,622 miligam/1lít khí thở tương đương với 124,4mg/100ml máu thì là do người này đã uống cách đó vài giờ và cơ thể đã đào thải bớt lượng cồn trong máu. Nếu đo nồng độ cồn khi mới uống thì thậm chí còn cao hơn và mức phạt có thể nặng hơn (trung bình 1 giờ cơ thể bình thường đào thải hết 1 đơn vị rượu tương đương khoảng 10g cồn). Theo bà Trang, quy định cũ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng. Mức phạt này chưa bảo đảm tính răn đe và hạn chế hành vi vi phạm. “Người uống bia có kết quả đo nồng độ cồn là 0,622 miligam/1lit khí thở bị phạt 17 triệu đồng không hề nặng”, bà Trang cho hay. Để bảo đảm tính mạng người dân và cả người điều khiển xe cơ giới, bảo đảm an toàn giao thông và phòng chống tác hại của rượu bia, cá nhân bà ủng hộ các biện pháp mạnh và hiệu quả nhằm tạo tính răn đe. “Phải xử lý nghiêm người vi phạm, tạo ý thức thượng tôn pháp luật. Hơn nữa, người điều khiển ô tô, xe máy phải cân nhắc kỹ trước khi cầm lái”, bà Trang nói. Trước thông tin, mức phạt tăng nặng đối với hành vi uống rượu khi lái xe nên nhiều tài xế phát hoảng, lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Y tế bày tỏ: “Mức phạt ở Việt Nam vẫn còn nhẹ”. Mức phạt theo Nghị định mới vẫn còn tương đối nương tay nếu so với một số nước trên thế giới. Tại Mỹ, số tiền phạt uống rượu bia khi lái xe trung bình mất 300 - 500 USD cho vi phạm lần đầu. Nếu tái phạm mức phạt sẽ nhảy lên 1.000 USD. Người vi phạm sẽ phải tự trả phí cho việc xét nghiệm nồng độ cồn từ 500 - 1.000 USD. Tiếp theo đó là các chi phí kèm theo như: Tiền kéo xe về sở cảnh sát, tiền trông xe, tiền hầu tòa, tiền học lại luật giao thông, bắt buộc mua thiết bị giám sát nồng độ cồn gắn theo xe,... Ở một số bang như Ohio, người vi phạm sẽ phải ngồi tù, tái phạm nhiều lần có thể bị coi là tội phạm, bị tước quyền công dân. Tại Singapore, dù chỉ vi phạm lần đầu mức phạt cũng có thể lên tới 5.000 đô Singapore (80 triệu đồng). Còn nếu tái phạm, số tiền phạt sẽ tăng vài lần. Cũng theo bà Trang, nhiều người sau khi uống bia rượu cho rằng, vẫn tỉnh táo, nhưng đó chỉ là bề ngoài, còn thực chất, thần kinh đã bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, khi bình thường xảy ra va chạm người lái xe có thể bình tĩnh để xử lý tình huống nhưng khi có men rượu có những trường hợp họ lại dễ hưng phấn, bốc đồng, phóng nhanh, vượt ẩu hoặc không đủ tỉnh táo để xử lý các tình huống bất ngờ nên dễ gây tai nạn giao thông. Nếu uống vượt ngưỡng cho phép tức là người đó đã lạm dụng rượu, bia có thể gây tổn thương não, hệ thần kinh, gan, tim mạch, hạn chế khả năng tư duy. Khi sử dụng rượu bia quá mức sẽ tác động đến hệ thần kinh, làm người sử dụng hạn chế nhận thức, mất khả năng kiểm soát bản thân, dễ có hành vi quá giới hạn, lệch chuẩn. “Tôi tin rằng, nếu có những quy định nghiêm khắc và tổ chức thực hiện hiệu quả sẽ bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và hạn chế tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia, góp phần hạn chế lạm dụng rượu bia và bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân”, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế Trần Thị Trang bày tỏ.