Theo đại diện Oxfam, các nước đang phát triển bao gồm cả Việt Nam đang bị thất thu 100 tỷ USD hàng năm do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam vốn đã rất nỗ lực trong những năm qua để chống hoạt động né thuế thông qua chuyển giá của các DN. Oxfam lo ngại, chính sách ưu đãi thuế trong dự thảo Luật Khu hành chính kinh tế đặc biệt sẽ tạo ra một vùng trũng về thuế ngay ở Việt Nam, không chỉ tạo điều kiện cho DN đa quốc gia chuyển giá. Ông Henrique Alencar - Tư vấn chính sách về thuế Oxfam cho rằng, cùng trong một nước, hệ thống thuế lý tưởng là phải cân bằng, nếu giảm là gia tăng bất bình đẳng, làm gia tăng gánh nặng quản lý và tuân thủ với cả Chính phủ và với DN.
Theo bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý cấp cao chương trình quản trị của tổ chức Oxfam, các chính sách ưu đãi được đề xuất trong dự thảo luật đều dựa trên lợi nhuận mà nhiều quốc gia đang phát triển không sử dụng nữa. Quan trọng hơn, đại diện Oxfam cho rằng, báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (2017 - 2018) đã chỉ ra rằng, ba yếu tố quan trọng nhất được công ty lựa chọn không phải ưu đãi thuế, mà là cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và ổn định xã hội.
Dẫn lại lời đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc về thời hạn cho thuê đất 99 năm tại các đặc khu “Chúng ta không có quyền quyết định cho 3 - 4 thế hệ, trong bối cảnh địa chính trị lớn” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét, ở đây có bóng dáng bất động sản (BĐS) khá nhiều. “Với thời hạn cho thuê đất 99 năm, nhà đầu tư công nghệ cao thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 không cần thời gian, về sản xuất DN không cần đến 99 năm, 70 năm hay 50 năm còn khó. Chỉ có nhà đầu tư BĐS mới cần, nhất là trong dự luật lại cho phép được chuyển nhượng” - bà Lan cho hay. Ở các nước, không có nước nào cho thuê đến 99 năm, cao nhất chỉ 50 năm, thậm chí có nơi chỉ 20 năm.
Bà Lan chia sẻ, chưa làm đặc khu mà đất ở những nơi này đã sốt, chuyển nhượng, có bóng dáng sở hữu của hai đối tượng là đầu cơ mua đi bán lại và của các đại gia nhắm vào để hiện thực hóa mục đích của mình. “Cái chúng ta cần không phải ưu đãi cho BĐS, giấc mơ CNH - HĐH lâu rồi, không thể lấy BĐS làm chủ lực, chưa kể BĐS sẽ làm hút nguồn lực vào đó, làm giảm thích thú các DN quan tâm vào các lĩnh vực khác” - bà Lan đặt vấn đề.