Mục tiêu rất cụ thể mà chương trình đặt ra là giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và đảm bảo ít nhất 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển. Theo kế hoạch đã “lên khung”, ngoài tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về kỹ năng sống, phòng chống xâm hại/lạm dụng cho trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cộng đồng, chương trình sẽ tập trung thực hiện những hoạt động cụ thể, hết sức thực tế. Đầu tiên là nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các xã, phường, thị trấn, kể cả các tình nguyện viên và cộng tác viên của chương trình. Trong đó, ưu tiên thực hiện tại các địa bàn còn khó khăn và có nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh khó khăn cao như huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa, Thạch Thất, Thường Tín, Ba Vì, Đan Phượng, Quốc Oai… Và như những người trong cuộc chia sẻ, để “vòng bảo vệ” có “điểm tựa” mà phát huy hiệu quả, không thể không củng cố và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Thế nên, hoạt động tư vấn tại các trung tâm dịch vụ công tác xã hội sẽ được tăng cường; đồng thời, lồng ghép việc cung cấp dịch vụ trẻ em vào các chương trình theo từng cấp độ. Cụ thể ở cấp độ 1 (dịch vụ phòng ngừa) đảm bảo cho trẻ nói chung được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, đảm bảo các điều kiện thực hiện quyền cơ bản cho trẻ, phòng ngừa hiệu quả các hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột và sao nhãng trẻ em. Cấp độ 2 (dịch vụ can thiệp sớm) xác định và loại bỏ kịp thời những yếu tố, nguy cơ có thể dẫn đến trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột và sao nhãng. Cấp độ 3 (dịch vụ trợ giúp phục hồi cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt) hướng đến việc thực hiện các can thiệp, trợ giúp cho nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị tổn thương được phục hồi và hòa nhập cộng đồng. Riêng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng sẽ tập trung quản lý nhóm đối tượng trẻ này bằng các hoạt động: Tư vấn, tham vấn, phục hồi tâm lý; tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí và phúc lợi xã hội để hòa nhập cộng đồng; tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ. Trên cơ sở rà soát đánh giá các mô hình năm 2014, Sở LĐTB&XH Hà Nội tiếp tục thực hiện 2 mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng tại xã Mê Linh (huyện Mê Linh) và xã Đức Giang (huyện Hoài Đức); thực hiện 7 mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại các xã Hòa Lâm (Ứng Hòa), Thạch Thán (Quốc Oai), Phương Trung (Thanh Oai), Phùng Xá (Mỹ Đức), Đại Đồng (Thạch Thất), Phú Châu (Ba Vì), Liên Hiệp (Phúc Thọ). Những người làm công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em chia sẻ, sẽ không bỏ qua việc thu thập và quản lý trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt để can thiệp, trợ giúp kịp thời.