Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ưu tiên sản phẩm thân thiện với môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng

Mai Vân thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong quá trình phát triển nhưng ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập về công nghệ sản xuất và công tác bảo vệ môi trường. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, TS Thái Duy Sâm để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

 TS Thái Duy Sâm
Ông đánh giá thế nào về những kết quả của ngành sản xuất VLXD trong thời gian qua?
- Ngành VLXD bắt đầu phát triển mạnh từ thời kỳ sau đổi mới, đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu thị trường VLXD trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó đã đưa Việt Nam từ nước phải nhập khẩu hầu hết các sản phẩm phục vụ xây dựng trong nước, đến nay sản xuất đã đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng và còn dư từ 10 - 30% công suất phục vụ cho xuất khẩu. Có những sản phẩm như gạch ốp lát, sứ vệ sinh đã xuất đi gần 40 nước trên thế giới. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm VLXD chủ yếu đạt hàng tỷ USD mỗi năm, trong đó dẫn đầu là xi măng, đá ốp lát, gạch gốm ốp lát, sứ vệ sinh, kính thủy tinh... Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành VLXD vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.
Những bất cập, hạn chế ở đây là gì, thưa ông?
- Bất cập đầu tiên liên quan đến công nghệ sản xuất. Mặc dù đã có chủ trương xóa bỏ các công nghệ lạc hậu, đầu tư công nghệ tiên tiến nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, không đủ năng lực tài chính để đầu tư thiết bị hiện đại. Một số địa phương còn duy trì các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công. Trong lĩnh vực sản xuất xi măng, số dây chuyền quy mô nhỏ, trình độ tự động hóa chưa cao vẫn còn chiếm đến 33%.
Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường còn bất cập, bởi việc sử dụng than còn chiếm tỷ lệ cao trong sản xuất VLXD. Một số cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, đầu tư thiết bị bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu; tận dụng nhiệt khí thải các lò nung clanhke trong sản xuất xi măng để phát điện triển khai rất chậm, chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, chế độ giám sát môi trường của nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để.
Vậy theo ông, đâu là giải pháp để khắc phục những hạn chế này?
- Trước tiên phải đầu tư tăng cường đổi mới công tác khoa học công nghệ của DN. Song hành với đó là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển VLXD trong giai đoạn mới hiện nay, tập trung vào những sản phẩm xanh, VLXD thân thiện với môi trường… Quan trọng nhất là phải làm tốt công tác nghiên cứu thị trường không chỉ trong nước mà cả khu vực và thế giới đối với từng loại sản phẩm VLXD. Qua đó, giúp các DN có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư công nghệ đạt hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng đầu tư theo phong trào, gây lãng phí tài nguyên, tiền vốn chung của đất nước.
Xin cảm ơn ông!