Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

V-League oằn mình vì đội tuyển

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau loạt trận vào cuối tuần này, V-League một lần nữa phải tạm nghỉ để nhường chỗ cho hoạt động của đội tuyển.

Chưa bao giờ giải vô địch quốc gia lại kéo dài đến vậy và nó làm ảnh hưởng trực tiếp đến các đội bóng. Nhưng đây là điều chẳng thể khác, và để có được thành công ở sân chơi đội tuyển, các đội bóng buộc phải hy sinh quyền lợi của mình.

Đá 3 vòng, nghỉ 2 tháng

V-League đã chính thức bước vào giai đoạn 2 được hai vòng đấu. Tuy nhiên, giai đoạn này chỉ đi tiếp thêm một vòng đấu nữa lại tiếp tục gián đoạn. Lần nghỉ này cũng kéo dài 2 tháng và nó khiến nhiều đội bóng bối rối trong quá trình hoàn thành mục tiêu trong mùa giải. 3 tháng trước, V-League phải tạm dừng để nhường chỗ cho đội tuyển U20 Việt Nam tập trung chuẩn bị và thi đấu tại World Cup.

 Giờ tập luyện của đội tuyển U23 Việt Nam. Ảnh: Gia Hưng

Do có quá nhiều cầu thủ không thường xuyên được thi đấu nên VFF đã quyết định đình chỉ hoạt động thi đấu của các sân chơi quốc nội để HLV Hoàng Anh Tuấn có cơ hội rèn quân.Lần này, V-League tiếp tục bị hoãn 2 tháng. Lý do là nhằm giúp HLV Nguyễn Hữu Thắng có thời gian chuẩn bị và thi đấu ở hai đấu trường vô cùng quan trọng là vòng loại U23 châu Á cũng như SEA Games 2017.

Vòng loại U23 châu Á sẽ diễn ra vào tháng 7 tại TP Hồ Chí Minh và sân chơi này cũng là cơ hội để U22 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 2017. V-League buộc phải hoãn bởi sau vòng loại U23 châu Á, U22 Việt Nam sẽ ngay lập tức đáp chuyến bay đến Hàn Quốc tập huấn. Kết thúc chuyến tập huấn tại Hàn Quốc, thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ có mặt tại Malaysia để chính thức tham dự SEA Games 2017.Với HLV Nguyễn Hữu Thắng, quãng thời gian từ nay đến vòng loại U23 châu Á và đặc biệt là SEA Games không còn xa. Quá nhiều việc cần phải làm để U22 Việt Nam có được sự hoàn thiện về con người, lối chơi. Thế nhưng, mong muốn của ông Thắng đồng nghĩa với việc, cả hệ thống thi đấu phải dừng lại nhường chỗ cho đội tuyển tập luyện bởi các đội bóng không thể dự giải mà thiếu vắng những cầu thủ quan trọng nhất.

Chuyện riêng của V-League

Việc V-League phải hoãn làm ảnh hưởng lớn đến các đội bóng. Họ phải kéo dài thời gian hoạt động trong mùa giải. Càng kéo dài bao lâu, áp lực về tài chính càng lớn. Bởi lẽ, một khi vẫn phải duy trì tập luyện, các đội bóng vẫn phải chi tiền lương, ăn ở và cả chi phí đưa đội bóng đi tập huấn. Mọi năm, mùa giải chỉ kéo dài đến cuối tháng 8 nhưng năm nay, đến cuối tháng 11 sân chơi mới khép lại. Điều đó đồng nghĩa với việc, các đội bóng sẽ phải chi thêm hàng tỷ đồng cho quãng thời gian phát sinh, và các đội bóng phải móc tiền túi trả cho khoản chi này.

Thế nhưng, điều khiến họ lo ngại hơn chính là việc, do giải đấu liên tục bị gián đoạn nên phong độ của các cầu thủ sẽ bị ảnh hưởng. Những đội bóng có nhiều quân ở đội tuyển thì lo ngại cầu thủ gặp chấn thương hoặc bị vắt kiệt thể lực dẫn đến việc không cống hiến nhiều cho câu lạc bộ.Đã có những ý kiến phàn nàn là, tại sao VFF tập trung đội tuyển lâu đến vậy? Tại sao không tập trung đội tuyển như các nước ở châu Âu hay chí ít là Thái Lan - chỉ hội quân vài ngày trước khi giải đấu chính thức bắt đầu. Điều này giúp các đội bóng không bị ảnh hưởng về kế hoạch và các cầu thủ không bị sức ì vì tập trung quá lâu. Vậy nhưng, VFF có cái lý riêng của mình khi các cầu thủ Việt Nam thường không đủ sự chuyên nghiệp.

Các HLV cần có thời gian để chuẩn bị về nền tảng thể lực lẫn lối chơi cho đội tuyển nên thường đòi hỏi phải tập trung lâu. Thậm chí, đã có những xung đột giữa HLV đội tuyển với lãnh đạo câu lạc bộ như trường hợp của ông Hoàng Anh Tuấn với đại diện của Hà Nội FC. Và một khi sự chuyên nghiệp của các cầu thủ Việt Nam chưa được nâng lên, viễn cảnh giải đấu bị cắt quãng liên tục để nhường chỗ cho đội tuyển quốc gia sẽ vẫn là chuyện “cơm bữa”.