Vai trò cầu nối của Nhật Bản trong quan hệ Mỹ - ASEAN

Lan Hương (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - GS Andew Oros, Đại học Washington, bang Maryland (Mỹ) nhận định, với vai trò của Tokyo, quan hệ giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á cũng được tăng cường.

Ngày 15/3, tại Hà Nội, GS Andew Oros, Đại học Washington, bang Maryland (Mỹ) đã có buổi trao đổi về các vấn đề an ninh của Nhật Bản cũng như vai trò của đất nước Mặt trời mọc trong quan hệ Mỹ - ASEAN.
 GS Andew Oros, Đại học Washington, bang Maryland (Mỹ).
Xin GS cho biết những nét chính trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản trong thời gian gần đây, đặc biệt là hợp tác quốc phòng với các quốc gia trong khu vực?
- Điều 9 trong Hiến pháp Nhật thời kỳ hậu chiến quy định, nước này sẽ không duy trì lục quân, hải quân, không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác. Quyền tham chiến của đất nước cũng không được công nhận. Đây chính là lý do Nhật Bản chỉ có Lực lượng phòng vệ và phần nào giới hạn vai trò của Nhật ở nước ngoài. Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình khu vực có nhiều thay đổi trong 10 năm trở lại đây, Nhật Bản đã tăng cường năng lực quốc phòng, tăng chi tiêu quốc phòng, đóng thêm các tàu chiến...
Xét về yếu tố địa lý, Nhật Bản nằm trong khu vực có vị trí địa chiến lược, đang có nhiều diễn biến căng thẳng và ngày càng nghiêm trọng. Đơn cử như mối đe họa hạt nhân và tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên; Nhật Bản cũng có tranh chấp quần đảo Sensaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông và tranh chấp lãnh thổ phía Bắc với Nga; xung đột ở Biển Đông. Vì vậy, từ năm 2009, khi đảng Dân chủ tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền, Nhật Bản đã mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia, trong đó có việc thúc đẩy hợp tác quân sự với các nước trong khu vực như Việt Nam, Ấn Độ... Đặc biệt, Nhật Bản đã cung cấp 6 tàu tuần tra biển cho Việt Nam và cam kết hỗ trợ ASEAN tăng cường an ninh hàng hải.
 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Philippines Duterte.
Vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump và xây dựng được mối quan hệ thân thiết với người đứng đầu nước Mỹ. Ông đánh giá thế nào về vai trò của Nhật Bản trong việc gắn kết quan hệ giữa Mỹ và khu vực?
- Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là nguyên thủ quốc gia đầu tiên có cuộc gặp với ông Trump ngay sau khi ông đắc cử cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Đầu năm nay, ông Abe tiếp tục có cuộc hội kiến với ông Trump ở Nhà Trắng. Trước đó, ông Abe đã đến thăm một loạt các quốc gia ở khu vực như Philippines, Indonesia, Australia và Việt Nam. Điều này thể hiện không chỉ mối quan hệ giữa Tokyo và Washington được thắt chặt mà mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á cũng được tăng cường.
Vậy, theo ông, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), liệu các cam kết của Mỹ ở khu vực có được tiếp tục?
- Chính sách tái cân bằng tại khu vực châu Á, hay còn gọi là chính sách "xoay trục" là một trong trụ cột của chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Hiện tại, nhiều người cũng đặt câu hỏi liệu chính sách này có được tiếp nối dưới thời Tổng thống Donald Trump hay không. Tuy nhiên, Sách trắng Quốc phòng của Mỹ năm 2012 đã khẳng định, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động, đóng góp cho sự phát triển của thế giới và lợi ích quốc gia sẽ không thay đổi, bất kể dưới thời kỳ tổng thống nào.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ có chuyến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc bắt đầu từ ngày 15/3. Sau đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng sẽ có chuyến công du đến châu Á. Điều này cho thấy, mối quan tâm của Mỹ đến khu vực vẫn còn. Thực tế là, dù chính quyền Mỹ đang có sự chuyển giao quyền lực khá chậm chạp và đến hiện tại vẫn thiếu nhiều vị trí trọng yếu nhưng một số quan chức trong bộ máy có sự hiểu biết sâu sắc về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần