Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VAMC được phát hành trái phiếu để mua nợ xấu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Trong đó, Nghị định bổ sung quy định VAMC được phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá trị thị trường.Cụ thể, VAMC được phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá trị thị trường trên cơ sở kế hoạch phát hành trái phiếu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Việc phát hành trái phiếu của VAMC không phải áp dụng quy định về nguyên tắc, điều kiện phát hành, hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và không áp dụng quy định về nguyên tắc huy động vốn theo quy định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
VAMC được phát hành trái phiếu theo 4 phương thức: 1- Đấu thầu phát hành; 2- Bảo lãnh phát hành; 3- Đại lý phát hành; 4- Bán trực tiếp.

Trái phiếu của VAMC do tổ chức tín dụng nắm giữ được sử dụng để tham gia nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể việc phát hành trái phiếu của VAMC.

 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP quy định xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua, trường hợp không có thỏa thuận của các bên về xử lý tài sản bảo đảm, việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện thông qua các phương thức bán đấu giá: Bán đấu giá qua tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp; công ty quản lý tài sản bán đấu giá.

VAMC lựa chọn, quyết định phương thức bán tài sản bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch.

Ngoài quy định nêu trên, Nghị định 34/2015/NĐ-CP bổ sung: Sau 1 lần bán đấu giá tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo quy định nêu trên không thành thì VAMC được tiếp tục bán tài sản đó thông qua phương thức bán đấu giá hoặc bán tài sản đó trên cơ sở thỏa thuận trực tiếp với bên mua, đồng thời thông báo cho bên bảo đảm biết.

Nghị định cũng quy định: 3 trường hợp được coi là bán đấu giá không thành gồm: 1- Không có người tham gia đấu giá; 2- Không có người trả giá tại cuộc bán đấu giá; 3- Các trường hợp bán đấu giá không thành khác theo quy định của pháp luật về bán đấu giá.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 5/4/2015.