Trước khi các ĐB bấm nút, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo giải trình, tiếp thu Dự án Luật trên cơ sở các ý kiến của ĐB trong phiên thảo luận tại đầu kỳ họp này.
Báo chí chỉ là một hình thức thể hiện quyền ngôn luận
Trong phiên thảo luận chiều ngày 21/3, nhiều ĐB Quốc hội tiếp tục quan tâm và góp ý vào điểm mới của Dự Luật và cũng là nội dung nhận được quan tâm nhiều nhất trong những lần góp ý cho Dự Luật trước đó là quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí, thể hiện ở Điều 10 và Điều 11. Theo ĐB Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị): Báo chí chỉ là một hình thức thể hiện quyền ngôn luận. Chúng ta có sự nhầm lẫn giữa quyền tự do ngôn luận với quyền tự do báo chí trong trường hợp này. Nếu như chúng ta đưa vào đây quyền tự do báo chí mà bao gồm cả quyền cung cấp thông tin, quyền phản hồi thông tin thì không phải là quyền tự do báo chí, mà đó là quyền tự do ngôn luận qua báo chí. Tôi đề nghị phải thiết kế lại 2 điều này cho rõ nếu không khi ban hành mà đối tượng thực hiện của chúng ta là phóng viên các tờ báo "rất có trình độ", tôi chắc chắn sẽ khó phân biệt được chỗ này.
Quan tâm đến quy định về trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân (Điều 12), ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) nêu: Dự Luật quy định cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng, phát, kiến nghị, phê bình tên, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân. Trường hợp không đăng phát sóng phải trả lời và nêu rõ lý do... Quy định này không có tính khả thi và hầu như cơ quan báo chí nào cũng vi phạm, vì báo chí không thể đăng hoặc phát mọi kiến nghị, phê bình tin, bài, ảnh và tác phẩm khác của công dân, đồng thời, cũng không có khả năng trả lời cho từng công dân và nêu rõ lý do nếu không đăng phát sóng. “Cơ quan báo chí có đảm bảo thực hiện được vấn đề này hay không? Tôi đề nghị quy định lại Điều 12 cho sát với thực tế để bảo đảm tính khả thi, để quyền này của công dân được thực hiện” - ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh.
Cũng về vấn đề này, ĐB Hà Minh Huệ (đoàn Bình Thuận) chỉ ra: “Một tòa báo một ngày nhận không biết bao nhiêu đơn từ, các bài như vậy mà không đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo đó, hoặc cơ quan báo chí đó thì không đăng, trả lời hết thì không có tính khả thi. Theo tôi chỗ này chỉ nên quy định những vấn đề đó phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đó là đủ”.
Cần bổ sung thêm “quyền của báo chí”
Cho rằng quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí mới chỉ thể hiện được mặt “nhiệm vụ của báo chí”, chưa có điểm nào thể hiện “quyền hạn của báo chí” - ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề nghị: Bổ sung thêm quyền hạn cho báo chí để đảm bảo báo chí thực hiện các nhiệm vụ như các quyền được cung cấp thông tin, quyền được đáp ứng các điều kiện, nguồn lực.
ĐB Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang) cũng đề nghị: Nên bổ sung thêm những hành vi cấm gây ảnh hưởng đến hoạt động báo chí như "không tiếp phóng viên, không cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật" vào sau cụm từ "cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật" để quy định này được đầy đủ, rõ ràng và chặt chẽ.
Dưới góc độ một luật sư, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Trong quy định về điểm “cấm” trong hoạt động của báo chí có những điểm quá mông lung, quá rộng, như thế khi các cơ quan báo chí, các nhà báo hoạt động sẽ lúng túng và băn khoăn, lo lắng. Khi chúng ta xử quá rộng như thế này thì cũng rất hạn chế hoạt động của báo chí. “Vừa rồi tôi có ví dụ một điểm là qua công tác khảo cổ, điều tra, nghiên cứu của các nhà khoa học thấy rằng hồi đó lịch sử mô tả như vậy, nhưng không đúng sự thật, bây giờ sự thật là khác, báo chí đăng lên, nếu chúng ta làm không kỹ thì lại bị quy chụp là xuyên tạc lịch sử. Chỗ này làm sao bảo đảm được quyền của báo chí, cũng là quyền của Nhân dân được tiếp cận những thông tin một cách trung thực, tiếp cận chân lý, tiếp cận kết quả nghiên cứu của khoa học” - ĐB đặt vấn đề.
Một số ý kiến khác cũng góp ý cần những quy định cụ thể hơn về việc cung cấp thông tin cho báo chí, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí đưa tin kịp thời, chính xác, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Dự Luật có quy định quyền được khai thác, cung cấp thông tin và thêm phần đuôi là “theo quy định của pháp luật”. Rất tiếc toàn bộ luật này không có điều nào quy định về quyền khai thác thông tin của nhà báo mà chỉ có quyền được cung cấp thông tin. Hiện nay, trong tác nghiệp, nhà báo rất mắc ở quyền khai thác thông tin, khai thác qua camera... thì quyền của họ được thực hiện đến đâu. Pháp luật không quy định mà bắt họ khai thác theo quy định của pháp luật là một quy định rất chung chung và rất khó thực hiện”.
Nhà nước “tiếp sức” gì cho báo chí
Tài chính cho báo chí cũng là một vấn đề khiến một số ĐB băn khoăn. ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông trên thế giới, hiện báo chí truyền thống đang đứng trước sức cạnh tranh rất lớn từ mạng thông tin xã hội. Các cơ quan báo chí sẽ ngày càng khó khăn hơn về cạnh tranh thông tin và vấn đề tài chính. Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi cần phải được xây dựng trên thực tiễn này. Vấn đề đặt ra là Nhà nước sẽ tiếp sức gì cho các cơ quan báo chí trước tình hình trên. “Các hình thức tạo nguồn thu cho kinh tế báo chí tại Điều 21 cần có quy định mở để phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông và kinh tế thị trường trên cơ sở nghiên cứu thêm các hình thức tạo nguồn thu cho cơ quan báo chí, ví dụ cho phép các cơ quan báo chí đăng tải thông tin trên môi trường giao tiếp hoặc liên kết với cơ quan báo chí nước ngoài để khai thác quảng cáo và phát hành” - ĐB nêu.
Các phóng viên tác nghiệp tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI. Ảnh: Thanh Hải
|