Ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiêp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo khảo sát của VCCI, trong lĩnh vực thuế, dù ghi nhận những thay đổi trong chính sách thời gian gần đây, tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, bản thân những thay đổi nhanh chóng cũng khiến họ gặp khó khăn trong việc cập nhật thông tin để tuân thủ.
“Có nhiều nghị định, thông tư về thuế vừa ra đã chỉnh sửa bổ sung; văn bản ra lúc nào DN cũng không biết”, ông Khương cho hay. Điều này được các DN phản ánh khiến cho nhiều DN nắm bắt không kịp các thay đổi về thủ tục, chính sách thuế nói riêng và thay đổi pháp luật liên quan đến sản xuất kinh doanh nói chung.
Ý kiến DN cũng phản ánh, các thông tư hướng dẫn về thuế của Bộ Tài chính thường được ban hành chậm hơn so với thời hạn hiệu lực thi hành quy định tại các văn bản Luật, Nghị định. Điều này khiến các DN phải điều chỉnh nhiều nghiệp vụ kinh tế đã phát sinh, theo đó phải điều chỉnh hóa đơn, chứng từ làm mất thời gian và gây khó khăn trong thực hiện.
Để áp dụng cho một tình huống cụ thể, DN phải tìm hiểu quá nhiều thông tư, nghị định để biết những quy định về thuế hiện tại. Do quy định, hướng dẫn về các loại thuế còn dàn trải ở nhiều thông tư, nghị định của các năm khác nhau, khiến DN lúng túng trong việc áp dụng luật thuế. Vì vậy, DN mong muốn việc xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật thuế cần được thực hiện có chất lượng cao hơn, để có thể triển khai ổn định trong thực tiễn, nhằm tạo thuận lợi hơn cho các DN trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, khi có nghị định, thông tư, nghị định mới, cơ quan thuế cần hướng dẫn DN kịp thời, rà soát và tập hợp mang tính hệ thống để DN dễ dàng áp dụng. Dù có nhiều văn bản khác nhau, nhưng trong một số lĩnh vực lại chưa rõ ràng cụ thể hoặc lại chồng chéo dẫn đến khó thực hiện cho DN.
Ví dụ, như luật quy định giá mua bán hàng hóa dựa trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa người mua và người bán nhưng Luật Thuế TNDN và TNCN lại không cho bán dưới giá vốn và yêu cầu người bán phải nộp thuế theo việc áp giá của cơ quan thuế trong khi người mua chỉ dùng giá mua làm chi phí khấu hao, Luật Hải Quan và luật thuế liên quan chưa thống nhất về cách quản lý và theo dõi Nhập - Xuất - Tồn nguyên vật liệu đối với các công ty gia công.
Văn bản pháp luật chưa đồng bộ trong các bộ ngành - điển hình Nghị định số 67/NĐ-CP của Chính phủ năm 2014 khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn trong đó có ưu đãi về thuế như được hoàn thuế đầu vào nhưng đầu năm 2015 thì cơ quan thuế có công văn không cho hoàn thuế.
Ngoài ra, các DN cũng cho biết một số chính sách có liên quan chưa phù hợp. Cụ thể, giá thuê đất tăng quá nhanh, gây ảnh hưởng lớn tới doanh thu và chi phí của DN. Tăng giá tiền thuê đất thì phải báo trước cho DN đằng này năm 2016 DN nhận được quyết định tăng giá tiền thuê đất nhưng lại bắt đầu tăng từ ba năm về trước.
Nhiều DN cũng gặp vướng mắc đối với một số quy định về thuế GTGT. Cụ thể, các DN cho rằng điều kiện hoàn thuế GTGT cho DN còn hạn chế. Có một số DN đề nghị mở rộng điều kiện hoàn thuế GTGT cho DN để đảm bảo việc luân chuyển dòng tiền trong DN khi thực hiện thuế GTGT.
Ví dụ, trong vòng 2-3 quý liên tiếp DN chưa khấu trừ hết thì đủ điều kiện được hoàn thuế. Do vậy, kiến nghị cơ quan thuế nên phân loại doanh nghiệp và phân loại số tiền được đề nghị hoàn để quy định thời gian được đề nghị hoàn thuế GTGT cho từng loại DN được phù hợp hơn.