Năm 1992, địa điểm này được đầu tư nâng cấp thành Cung VHTTTN Hà Nội để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, sinh hoạt thể thao của tuổi trẻ thủ đô. Tuy nhiên, thời gian gần đây có ý kiến người dân phản ánh, diện tích khu vực bể bơi thiếu nhi của Cung VHTTTN Hà Nội đang bị sử dụng sai mục đích, gây lãng phí…
Bể bơi dùng làm bãi rửa xe, trông xe
Theo một số người dân, từ nhiều năm nay, không hiểu vì lý do gì mà bể bơi dành cho thiếu nhi của Cung VHTTTN Hà Nội (số 3 Tăng Bạt Hổ) không hoạt động và biến thành nơi trông giữ, rửa xe ô tô. Không chỉ bể bơi bị biến thành điểm trông giữ, rửa xe ô tô mà khu nhà 2 tầng ngay sát bể bơi trước đây vốn là nơi để các cháu thay quần áo khi đến bơi cũng được dùng làm phòng tập của các CLB thẩm mỹ, yoga, võ thuật… Bà Nguyễn Thị Hằng (phố Nguyễn Công Trứ) bức xúc: "Không hiểu tại sao Cung VHTTTN Hà Nội lại cho thuê phần diện tích dành cho thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt văn hóa, thể thao thành nơi kinh doanh, buôn bán".
Các điểm trông giữ xe nằm sát với bể bơi số 3, phố Tăng Bạt Hổ. Ảnh: Công Trình
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã đến bể bơi số 3, Tăng Bạt Hổ (Cung VHTTTN Hà Nội). Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều hạng mục tại bể bơi này đã xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ phần đường dẫn vào bể bơi đã bị bong tróc hết phần gạch lát. Phần nền bể bị xuống cấp nghiêm trọng, đáy bể bị gãy, thành bể nứt và không có hệ thống tuần hoàn nước… Điều nay lý giải tại sao, mặc dù đã được bàn giao cho Cung từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.
Cho thuê để chống lấn chiếm
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Cung VHTTTN Hà Nội cho biết, năm 2007, Sở Thể dục - Thể thao Hà Nội đã quyết định giao bể bơi số 3 Tăng Bạt Hổ với diện tích khoảng 5.000m2 cho Thành đoàn Hà Nội quản lý. Sau đó, Thành đoàn đã giao cho Cung VHTTTN Hà Nội quản lý. Tuy nhiên, do được xây dựng từ những năm 60 nên nhiều hạng mục của bể bơi đã xuống cấp nghiêm trọng không còn sử dụng được. Năm 2010, qua cuộc thi thiết kế dự án nâng cấp, xây dựng Cung VHTTTN Hà Nội thành Cung VHTT liên hợp, lãnh đạo Cung đã chọn được một thiết kế xuất sắc nhất. Ban QLDA đã họp bàn để thống nhất phương án trình TP phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 500 tỷ đồng, thời gian xây dựng trong 3 năm. Tuy nhiên, tới thời điểm này, dự án vẫn chưa được triển khai.
Để tránh lãng phí, chống lấn chiếm đất đai, đảm bảo ANTT, chống các tệ nạn xã hội trong khi dự án chưa được triển khai, cũng như tăng nguồn thu ngân sách, Cung VHTTTN Hà Nội có chủ trương cho thuê một số hạng mục làm bãi trông giữ, rửa xe ô tô. Chủ trương này đã được Thành đoàn Hà Nội cho phép thực hiện từ 1/5/2008 cho đến khi UBND TP có quyết định phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp và xây dựng Cung VHTTTN Hà Nội.
Trước mắt, trong khi chờ Dự án trên được phê duyệt, Cung VHTTTN Hà Nội đang kiến nghị với Thành đoàn, đề nghị TP hai phương án đối với bể bơi số 3 Tăng Bạt Hổ. Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nếu có thể. Thứ hai, trong thời gian chờ phê duyệt Dự án, cho phép Cung VHTTTN Hà Nội cải tạo mặt bằng bể bơi thiếu nhi để xây dựng 2 sân bóng mini bằng nguồn kinh phí tự có và xã hội hóa nhằm phục vu nhu cầu vui chơi, rèn luyện sức khỏe cho thanh thiếu nhi Thủ đô.