Kinhtedothi - Bất động sản (BĐS) các tỉnh vùng ven TP Hồ Chí Minh vẫn có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, theo quy luật, địa ốc vùng ven sẽ phát triển chậm hơn một nhịp so với TP Hồ Chí Minh... Đó là nhận định của ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa.
Thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh đã có sự phát triển trở lại từ quý III/2014 đến nay. Thực tế cho thấy, lượng giao dịch cũng như nguồn cung BĐS tại thị trường TP Hồ Chí Minh - trung tâm của sự phát triển thời gian qua liên tục có sự tăng trưởng ở hầu hết các phân khúc. Vì vậy, có thể xác định, đây là cơ hội của BĐS các tỉnh vùng ven như Long An, Bình Dương, Đồng Nai...
Điểm mấu chốt là cơ sở hạ tầng đã có sự đồng bộ. Chẳng hạn như Đồng Nai có đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bình Dương có cao tốc Thủ Đức - Tân Vạn - Mỹ Phước, Long An có đường Vành đai 3, tuyến Bến Lức - khu Nam TP Hồ Chí Minh - Long Thành… Đây là những cơ sở quan trọng để phát triển BĐS. Đặc biệt là khi khởi động sân bay quốc tế Long Thành thì BĐS Long Thành nói riêng và Đồng Nai nói chung sẽ có sự phát triển mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, sự tác động của Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ dẫn đến sự chuyển dịch đầu tư từ các nước ngoài TPP như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia... về Việt Nam để hưởng mức thuế cực thấp. Từ đó, sẽ gia tăng nhu cầu đất công nghiệp, kho bãi và nhà máy. Do vậy, các khu công nghiệp vùng ven sẽ phát triển mạnh, dẫn đến nhu cầu BĐS lân cận phát triển theo.
Dưới góc độ nhà đầu tư, theo tôi, nên chú trọng BĐS ven khu công nghiệp, vì đây là phân khúc nhu cầu thực cho các chuyên gia và người lao động. BĐS mang tính cục bộ, nên chỉ một số nơi tập trung thương mại từ kết nối hạ tầng, đường cao tốc xuyên tỉnh mới đầu tư mới phát triển tốt. Tôi cho rằng, phân khúc đất nền sẽ được ưu tiên hơn so với nhà phố xây sẵn vì có sự khác biệt giữa nhu cầu và thực tế.