Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn còn “đánh trống bỏ dùi”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu, song việc phát triển văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh ở nhiều địa phương vẫn còn những tồn tại, bất cập.

Một số nơi, chính quyền địa phương vào cuộc thiếu sát sao, quyết liệt; cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu chấp hành nên nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, bảo vệ môi trường chuyển biến chậm...

Nhiều khó khăn, bất cập

Chủ trương đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội đã được tuyên truyền, phổ biến tới người dân từ nhiều năm nay, song thực tế, để mỗi người dân đều có ý thức chấp hành không phải chuyện dễ dàng. Bà Lê Thị Năng - Bí thư Đảng ủy xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng chia sẻ, mặc dù tình trạng ăn uống linh đình trong đám cưới đã giảm, song vẫn còn một số hộ tổ chức ăn uống lên tới 70 - 80 mâm. Khó khăn nhất là vận động người dân thực hiện hỏa táng cho người thân qua đời, bởi tập tục hung táng đã ăn sâu trong tư tưởng của người dân.

 
 
Tình trạng họp chợ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra tại xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ. 	Ảnh: Quang Thiện
Tình trạng họp chợ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra tại xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện

Tại xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, bên cạnh những tuyến đường bê tông sạch sẽ vẫn có những đoạn đường rác thải vứt bừa bãi mất vệ sinh. Bà Nguyễn Thị Huê - Phó Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 2, xã Quảng Bị chia sẻ, hầu hết các tuyến đường trong ngõ xóm đều được giao cho hội phụ nữ tự quản và được vệ sinh sạch sẽ hàng tuần. Theo quy định, mỗi hộ gia đình trong thôn đóng 30.000 đồng/tháng phí thu gom rác thải. Thôn cũng trang bị nhiều thùng, xe chở rác nhưng vẫn có một số người vứt rác bừa bãi xuống đường, gây mất vệ sinh. Bên cạnh đó, tình trạng họp chợ bừa bãi, lấn chiếm lòng đường gây mất ATGT và ô nhiễm môi trường diễn ra ngay gần cổng UBND xã nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Ông Đinh Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn huyện phát triển chưa thật vững chắc, có nơi chạy theo thành tích nên tác dụng tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng còn hạn chế. Đáng quan tâm là việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội chuyển biến chậm. Nguyên nhân là do một số cơ sở còn thiếu sự quan tâm chỉ đạo tập trung, thường xuyên và kiên quyết của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với phong trào. Thậm chí, có cơ sở còn "đánh trống bỏ dùi", đăng ký xây dựng xong nhưng lại thiếu lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, trọng điểm nên kết quả đạt thấp.

Cán bộ chưa gương mẫu

Ngay từ đầu năm, huyện Quốc Oai đã chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị triển khai phát động phong trào đăng ký thi đua và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa gắn với phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn nảy sinh nhiều bất cập, bắt nguồn từ chính đội ngũ cán bộ. Đơn cử, năm 2013, toàn huyện có 72 làng, đơn vị đăng ký đề nghị kiểm tra, xét công nhận danh hiệu văn hóa giai đoạn 2011 - 2013. Qua quá trình rà soát, huyện đã có thông báo không kiểm tra, xét công nhận đối với 10 làng, đơn vị có vi phạm, không đủ điều kiện và có 14 làng, đơn vị xin rút. Đáng nói là trong quá trình các đoàn tiến hành kiểm tra, phát sinh thêm 3 đơn vị xin rút, không kiểm tra, xét công nhận đơn vị văn hóa do có người sinh con thứ 3 hoặc cán bộ lãnh đạo quản lý vi phạm kỷ luật.

Ông Đỗ Lai Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, cấp ủy Đảng chính quyền một số xã, thị trấn chưa quan tâm đúng mức tới phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giao phó hoàn toàn cho cán bộ văn hóa. Trong khi đó, cán bộ văn hóa phải kiêm nhiệm nhiều việc nên đôi khi thiếu chủ động trong công tác, ảnh hưởng đến chất lượng phong trào. Đặc biệt, nhiều đơn vị có các hoạt động đều tốt và đạt tiêu chuẩn, song do có người sinh con thứ 3 hoặc có một vụ trọng án nên không đủ điều kiện xét công nhận danh hiệu Đơn vị văn hóa.

Còn tại huyện Ba Vì, việc triển khai thực hiện phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng đạt hiệu quả chưa cao và thiếu chiều sâu. Theo ông Bạch Công Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện, nguyên nhân là do công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục, có nơi còn làm qua loa, hình thức. Thêm vào đó, một số cán bộ, kể cả cán bộ chủ chốt cấp xã, công chức, đảng viên cưới, hoặc tổ chức cưới cho con cũng chưa thực sự gương mẫu, còn mời khách với số lượng lớn, mời vào giờ làm việc. Việc giảm số mâm cỗ trong đám cưới đã có nhưng chưa thực sự nhiều, số đám cưới tổ chức  dưới 50 mâm cỗ còn ít... Trong việc tang, một số nơi vẫn còn tình trạng rắc vàng mã dọc đường gây ảnh hưởng đến mỹ quan đường làng, ngõ xóm. Đáng nói là một số nơi bắt đầu phát sinh hiện tượng "hậu đám tang" như tổ chức mời khách ăn uống linh đình khi 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu…

Ngoài ra, tại một số vùng miền núi, đồng bào dân tộc, một số nét đẹp văn hóa truyền thống cũng bị mai một do lối sống đô thị du nhập vào. Việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ chưa được quan tâm thường xuyên, dẫn đến tình trạng một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay có lối sống buông thả, coi thường pháp luật...

 
Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên ở cơ sở vẫn còn hạn chế nên thiếu sâu sát, kịp thời trong chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng nếp sống văn minh. Ở một số nơi, chính quyền chưa quan tâm đến bình xét gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa nên người dân chưa hưởng ứng tham gia...

Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn

Bài 3:Khó đạt tiêu chí văn hóa