Chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức
Bộ GD&ĐT khẳng định, công tác tuyển sinh đại học và cao đẳng mầm non 2023 được ghi nhận, đánh giá là điểm sáng của ngành giáo dục trên cơ sở ứng dụng triệt để của công nghệ thông tin.
Năm 2023, có 20 phương thức xét tuyển được đưa vào áp dụng. Tuy nhiện, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, công tác tuyển sinh ĐH và CĐ sư phạm mầm non đã được một số cơ sở đào tạo chưa thực hiện đúng các quy định trong việc bảo đảm các điều kiện mở ngành, điều kiện hoạt động của ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, liên kết đào tạo (trong và ngoài nước).
Đặc biệt, một số cơ sở đào tạo sử dụng kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh với mục đích tăng khả năng tuyển được, chủ động thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh mà chưa chú trọng vào yêu cầu chất lượng và sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Một tỷ lệ không nhỏ cơ sở đào tạo tuyển chưa đạt 50% chỉ tiêu.
Cùng với đó, có nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo trọng điểm, thiết yếu khó thu hút sinh viên. Việc triển khai đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, đào tạo tiến sĩ cho giảng viên theo Đề án 89 còn gặp khó khăn ở nhiều khâu, cả từ giao chỉ tiêu, thực hiện chỉ tiêu và cấp kinh phí, chưa đạt được mục tiêu và kỳ vọng đặt ra.
“Điểm yếu lớn nhất kỳ tuyển sinh năm 2023, là giữa các phương thức tuyển sinh chưa đảm bảo công bằng nhất định. Nhiều thí sinh được xác định trúng tuyển sớm, có lẽ là dễ dãi hơn việc trúng tuyển bằng các kỳ thi năng lực và kỳ tốt nghiệp THPT"- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn bày tỏ.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH phải có đánh giá tương quan đầu vào và kết quả học tập để có kết quả thuyết phục bởi quy chế tuyển sinh đã quy định rất rõ, các trường ĐH có trách nhiệm giải trình về việc đưa ra yêu cầu cho phương thức tuyển sinh.
Xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm: Nhiều thí sinh ảo
Bộ GD&ĐT thông tin: Năm 2023, tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp không tăng, thậm chí giảm nhẹ so với 2022. Tuy nhiên, thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH và CĐ sư phạm tăng nhẹ (tăng gần 5% so với năm ngoái).
Với ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, công tác tuyển sinh được thực hiện trực tuyến 100%. Số lượng nguyện vọng đăng ký vào các trường tăng đáng kể với gần 3,4 triệu nguyện vọng. Số thí sinh trúng tuyển đợt 1 tăng gần 8% so với năm ngoái. Số thí sinh trúng tuyển ngay nguyện vọng 1 chiếm tới 49,1%. Thí sinh trúng tuyển ở 3 nguyện vọng đầu tiên chiếm 74,9% số thí sinh đăng ký xét tuyển. Thí sinh trúng tuyển ở 5 nguyện vọng đầu tiên là 85,1% số thí sinh.
"Trung bình mỗi thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 nguyện vọng. Đặc biệt, số thí sinh trúng tuyển sớm chọn đăng ký nguyện vọng 1 chiếm 32,2%. Đây là cảnh báo tới các trường để điều chỉnh công tác tuyển sinh ở những năm sau.
Ngoài ra, số thí sinh trúng tuyển thẳng theo quy chế xác nhận nhập học cũng chỉ chiếm hơn 30%. Điều này cho thấy thí sinh còn những lựa chọn hướng đi khác", Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho biết.
Từ số liệu trên, đại diện Vụ Giáo dục ĐH cho rằng năm 2023 vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo; thậm chí việc xét tuyển sớm còn làm gia tăng thí sinh ảo cho các trường.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy cũng lưu ý thí sinh đang trong giai đoạn xác nhận nhập học trực tuyến và các nhà trường, phụ huynh cần nhắc nhở, đôn đốc các em thực hiện thủ tục đúng thủ tục, đúng thời gian theo quy định.
"Các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2024, cần lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Đồng thời định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp chương trình Giáo dục phổ thông 2018” – Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy thông tin.