Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn còn khiếm khuyết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ KH&ĐT đã tổ chức...

Kinhtedothi - Sáng 7/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ KH&ĐT đã tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) hoàn thiện Dự thảo Luật DN (sửa đổi). Nhiều ý kiến thẳng thắn tiếp tục chỉ rõ những điểm yếu và thiếu của Dự thảo Luật.

Chưa sáng tỏ hơn Luật hiện hành

Theo nhìn nhận của Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico, các ngành, nghề, cấm kinh doanh được quy định tại Dự thảo Luật còn mập mờ hơn cả luật hiện hành… vì không quy định lý do bị cấm kinh doanh và giao cho Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề kinh doanh bị cấm. Ông Đức đề nghị: "Phải quy định cụ thể các ngành, nghề cấm kinh doanh trong Dự thảo Luật, vì quyền tự do kinh doanh đã được Hiến định chỉ có thể bị cấm bằng luật theo tinh thần của Hiến pháp…". Nhiều chuyên gia thống nhất cho rằng, để DN được tự do kinh doanh tất cả những gì mà pháp luật không cấm thì cần phải quy định rõ ràng, cụ thể ngành, nghề bị cấm kinh doanh trong Luật. Quá trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Dự Luật này đã thấy xuất hiện quá nhiều thông tin khác nhau về quy định số lượng ngành, nghề cấm kinh doanh khiến cộng đồng DN không khỏi lo ngại.

 
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm ở Hà Nội.     Ảnh: Quỳnh Anh
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm ở Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Anh
Chia sẻ quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cảnh báo, với những nội dung như Dự thảo, thì nhiều ngành, lĩnh vực đặt ra điều kiện kinh doanh chưa hợp lý, gây cản trở cho DN khi gia nhập thị trường và tạo cơ hội cho các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh… Bên cạnh đó, nếu quy định như Dự thảo thì Luật DN (sửa đổi) sẽ tiếp tục bị các luật chuyên ngành "gặm nhấm" khi đưa vào áp dụng.

Bà Lê Nga - Công ty Luật TNHH Hà Việt bổ sung ý kiến, nên quy định rõ "Các cơ quan hướng dẫn thi hành, các cơ quan cấp phép đăng ký thành lập DN và các cơ quan có liên quan khác không được hạn chế quyền tự do kinh doanh các ngành, nghề mà luật không cấm".

Không nên buông lỏng “con dấu”

Dự thảo Luật DN (sửa đổi) quy định: "Con dấu là tài sản của DN. Hình thức và nội dung "con dấu" do DN quyết định và đăng ký với cơ quan cấp phép đăng ký kinh doanh. Người đại diện theo pháp luật của DN phải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu". Góp ý về quy định này, ông Nguyễn Ngọc Khánh - đại diện Ngân hàng Thương mại CP Quốc dân cho rằng, "con dấu" không chỉ là vấn đề nội bộ của DN, do đó, cũng tương tự như đối với tên của DN, hình thức và nội dung "con dấu" cũng cần có những quy tắc bắt buộc DN phải tuân theo, tránh tình trạng tùy tiện khi khắc và sử dụng "con dấu". Ví dụ, đối với hình thức "con dấu" thì cần quy định rõ loại hình "con dấu" DN là loại hình gì, đối với nội dung "con dấu" thì cần quy định rõ nội dung "con dấu" tối thiểu phải có tên của DN bằng tiếng Việt (những nội dung khác như logo, tên viết tắt bằng tiếng Anh... có thể để DN tự quyết định).    Bà Lê Nga cũng lo ngại, nếu quy định hình thức và nội dung "con dấu" do DN quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ tạo ra vô vàn các hình thù kiểu dáng "con dấu", gây khó khăn hơn trong việc nhận diện con dấu thật - giả. Vì vậy, "con dấu" nên được làm theo một hình thức, kích thước thống nhất. DN chỉ được quyết định về thông tin và cách thể hiện thông tin trên "con dấu" đó. "Mặt khác, với quy định người đại diện theo pháp luật của DN phải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu, nhưng người đại diện theo pháp luật của DN là đại diện nào nếu DN có trên một đại diện theo pháp luật? Điều này cũng cần được làm rõ để tránh những tranh cãi không đáng có" - bà Nga nêu vấn đề.

Ghi nhận các ý kiến tại hội thảo, đại diện Ban soạn thảo - ông Phan Đức Hiếu - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho biết: Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, DN để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp khai mạc vào cuối tháng 10 này.
 
"Dự thảo Luật DN (sửa đổi) cần có quy định rõ ràng về "hậu kiểm", tránh để biến thành "hậu buông" gây ra những hậu quả không đáng có và là cái cớ để quay lại cơ chế "tiền kiểm" như trước khi có Luật DN năm 2005." - Ông Vũ Xuân Tiền - Trưởng ban Tư vấn và  Phản biện chính sách, Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam