Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn còn tình trạng tự ý điều chuyển kinh phí ODA giữa các dự án giáo dục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/12, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội...

Kinhtedothi - Ngày 28/12, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình của Chính phủ trước Ủy ban về hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA và vốn chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực GD&ĐT.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, trong giai đoạn 2004 - 2014, Bộ đã chỉ đạo, triển khai thực hiện 23 chương trình, dự án ODA viện trợ, vay ưu đãi từ bậc học mầm non đến bậc học giáo dục đại học (ĐH) do Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và các nhà tài trợ khác tài trợ với tổng kinh phí lên đến 1.799,32 triệu USD (cụ thể, 6% cho giáo dục mầm non, 54% cho giáo dục phổ thông, 38% cho giáo dục ĐH, 2% cho quản lý giáo dục).

Về tỷ lệ giải ngân, có 12 dự án đã kết thúc (đạt tỷ lệ giải ngân khi hoàn thành 93%; một số dự án khi kết thúc đã giải ngân trên 100%) và 11 dự án đang triển khai. Qua đó có hơn 26.200 phòng học, phòng chức năng, phòng thư viện, phòng ở bán trú, phòng ở công vụ cho giáo viên… được xây mới, nâng cấp. Cấp học bổng cho 3.500 học sinh, tổ chức hơn 70 đợt tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên THPT, THCS và các trường chuyên.

Ngành giáo dục đã chỉ đạo sát sao việc quản lý và thực hiện dự án nên kết quả thanh tra, kiểm toán hàng năm không có sai phạm lớn hoặc để xảy ra tình trạng thất thoát, tham nhũng. Đây là cơ sở để các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ giai đoạn 2 (2016 – 2020), gồm: Dự án Phát triển các trường sư phạm; dự án Nâng cao chất lượng giáo dục ĐH; chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2; dự án Tăng cường cơ sở vật chất cho các trường mầm non.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Tuy nhiên, tại phiên giải trình, không ít hạn chế, tồn tại trong việc huy động, thu hút và sử dụng vốn cho các chương trình, dự án ODA và dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đối với GD&ĐT đã được các đại biểu đưa ra. Trong đó, nhiều ý kiến đặc biệt nhấn mạnh đến sự cồng kềnh của hệ thống Ban quản lý dự án ODA từ T.Ư đến địa phương, gây lãng phí về nguồn vốn.

Tình trạng một số địa phương sử dụng vốn không đúng mục đích, tự ý điều chuyển kinh phí từ dự án này sang dự án khác hay tách nhỏ từng chương trình, dự án dẫn đến hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, một số địa phương không tập trung ưu tiên đúng mức cho các mục tiêu T.Ư đã đề ra. Có thể kể đến như dự án đầu tư cơ sở vật chất cho 48 trường phổ thông dân tộc nội trú chưa được hoàn thành. Vốn đầu tư cho dự án còn thiếu 80% so với vốn đã phê duyệt.

Từ những hiện thực trên, nhiều đại biểu đặt vấn đề về sự lơi lỏng trong việc quản lý, theo dõi, giám sát đối với việc triển khai các chương trình, dự án. Cơ chế phân cấp quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia về GD&ĐT ở một số nơi chưa phân rõ vai trò, trách nhiệm chính, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý điều hành chung, đặc biệt là công tác giám sát, chỉ đạo thực hiện và tổng hợp báo cáo định kỳ của địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thị đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện thay đổi nhận thức, tư duy về quản lý, sử dụng vốn ODA; hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn này và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm...

Đồng thời nhất thiết cần phải có giải pháp để khắc phục tình trạng tùy tiện điều chuyển dự án không đúng với mục tiêu ban đầu T.Ư đề ra, cũng như tình trạng các địa phương không tuân thủ nghiêm túc chế độ báo cáo, lập kế hoạch triển khai dự án thành phần ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả chung của dự án. Bên cạnh đó, các cơ quan T.Ư cũng cần phối hợp chặt chẽ để làm tốt trách nhiệm đánh giá, theo dõi, giám sát của mình.