Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ván cược đắt giá của OPEC trong cuộc chiến chống lại dầu đá phiến Mỹ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến lược bơm mạnh nguồn cung của OPEC nhằm bảo vệ thị phần trước hoạt động sản xuất dầu đá phiến bùng nổ của Mỹ đã khiến liên minh này thiệt hại hàng nghìn tỷ USD doanh thu do giá dầu lao dốc.

Số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ trong tuần trước giảm 4 giàn, xuống còn 590. Ảnh: Oilprice
Số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ trong tuần trước giảm 4 giàn, xuống còn 590. Ảnh: Oilprice

Theo trang OilPrice, kể từ năm 2008, cuộc cách mạng dầu đá phiến đã giúp sản lượng “vàng đen” của Mỹ tăng vọt lên khoảng 9 triệu thùng mỗi ngày. Trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng dầu đá phiến - thời điểm chưa đánh giá được liệu sự kiện này có tác động đáng kể đến thị trường năng lượng hay không, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dường như không quan tâm đến nguy cơ đến từ lĩnh vực dầu đá phiến của Mỹ.

 

Dầu đá phiến là một loại dầu thô có trong lớp đá phiến sét trầm tích hạt mịn. Loại đá này giàu chất hữu cơ và chứa một lượng lớn kerogen (một hỗn hợp các hợp chất hữu cơ rắn). Quá trình nhiệt phân hóa học có thể biến đổi kerogen trong đá phiến dầu thành dầu thô tổng hợp.

Đến cuối năm 2014, khi sản lượng dầu thô của Mỹ đạt gần 5 triệu thùng/ngày, OPEC quyết định buộc phải hành động nếu không muốn đánh mất thị trường vào tay các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Do đó, liên minh dầu mỏ do Ả Rập Saudi đứng đầu đã áp dụng một chiến lược nhằm bảo vệ thị phần đang bị mất do sự gia tăng sản lượng dầu ngoài OPEC, đặc biệt là ở Mỹ.

Chính sách tăng mạnh sản lượng dầu của OPEC dẫn đến cuộc chiến về giá và khiến thị trường nhiên liệu thế giới mất cân bằng.

Chiến thuật này đã khiến giá dầu lao dốc thê thảm và một số nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ bị phá sản. Tuy nhiên, bước đi trên cũng khiến OPEC mất ít nhất 1.000 tỷ USD doanh thu do giá dầu giảm trong khi phần lớn các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ vẫn tồn tại.

Vào cuối năm 2016, nhiều thành viên OPEC đã “giương cờ trắng”, từ bỏ chính sách tăng trưởng sản xuất và quay lại cắt giảm sản lượng để vực dậy giá “vàng đen”. Chiến lược siết nguồn cung ra thị trường toàn cầu hiện vẫn được OPEC duy trì cho đến thời điểm hiện tại.

Chiến lược chính sách sản lượng hiện tại của OPEC nhằm ổn định cung cầu trên thị trường năng lượng và giữ giá dầu trong khoảng 80-100 USD/thùng. Mục tiêu này sẽ là một thách thức nếu sản lượng của Mỹ tiếp tục tăng trưởng, điều đã từng xảy ra trong 15 năm qua.

Tuy nhiên, bài phân tích mới nhất trên trang Oilprice đã dự báo lạc quan rằng ván cược đắt giá của OPEC cuối cùng sẽ được đền đáp, vì sản lượng dầu đá phiến ở Mỹ dường như đang chững lại và có xu hướng đi xuống.

Sự kiên nhẫn và bền bỉ của OPEC có thể dẫn đến sự thống trị thị trường trở lại nếu sản lượng dầu của Mỹ bắt đầu giảm với tốc độ nhanh hơn trong thời gian tới.

Sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ trong tháng 6 này cao hơn 700.000 thùng/ngày so với một năm trước. Mặc dù vậy, kể từ cuối mùa Hè năm ngoái, việc sản xuất dầu đá phiến gần như đã dừng lại. Sản lượng dầu thô chỉ tăng nhẹ, thậm chí gần đây lại giảm xuống còn 13,1 triệu thùng/ngày.

Theo dữ liệu được Baker Hughes công bố hôm 14/6, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ trong tuần trước giảm xuống còn 590. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với 687 giàn trong cùng thời điểm năm 2023.

Các chuyên gia tự tin cho rằng giai đoạn bùng nổ về sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã rời xa và sẽ không tăng trưởng đáng kể trong năm nay và năm tới. Điều này càng củng cố kỳ vọng của giới chuyên gia rằng sự hy sinh to lớn của OPEC không phải là điều vô ích.

Điều không kém phần quan trọng là các nước OPEC chiếm 70% trữ lượng dầu của thế giới, Nga chiếm khoảng 6%, trong khi Mỹ chỉ có 4%. Chính vì vậy, Mỹ và những quốc gia sản xuất dầu mỏ khác không thuộc OPEC và các nước đồng minh (nhóm OPEC+) sẽ thiệt hại về mặt kinh tế trong thời gian dài nếu OPEC giành lại quyền thống trị thị trường dầu mỏ toàn cầu.