Trong báo cáo mới nhất, Goldman Sachs nhận định, nguồn cung dầu thô của Ả Rập Saudi sẽ duy trì ổn định ở mức 9 triệu thùng/ngày vào tháng 7, thấp hơn so với mức dự báo 9,2 triệu thùng/ngày đưa ra trước đó.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs chỉ ra 3 lý do chính khiến họ thay đổi dự báo về chính sách sản lượng dầu mỏ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn gọi là nhóm OPEC+.
Thứ nhất, dữ liệu tồn kho dầu thô toàn cầu gần đây đã tăng vượt dự báo. Thứ hai, dữ liệu mới nhất cho thấy việc kéo dài mức cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày của Ả Rập Saudi sẽ giúp tăng nguồn thu từ lĩnh vực năng lượng cho vương quốc dầu mỏ.
Cuối cùng, các nhà phân tích Goldman Sachs lý giải thêm rằng lợi nhuận ngắn hạn từ lĩnh vực dầu mỏ đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các kế hoạch đầu tư đầy tham vọng của Ả Rập Saudi.
Theo các chuyên gia của ngân hàng Mỹ, sau thông báo tăng công suất sản xuất dầu mỏ của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), công suất dự phòng “vàng đen” toàn cầu trong tháng 5/2024 dự kiến sẽ tăng lên 6,5 triệu thùng/ngày, cao hơn mức dự báo trước đó là 6,2 triệu thùng/ngày.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent trong năm nay sẽ ở mức từ 75-90 USD/thùng. Ngân hàng Mỹ lưu ý thêm: “Chúng tôi cho rằng những trở ngại địa chính trị đối với khả năng triển khai công suất dự phòng của OPEC là rủi ro chính đối với giá dầu trong năm 2024”.
Goldman Sachs cũng dự đoán rằng dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 82 USD/thùng vào năm 2025.
Trước đó, Reuters hôm 3/5 đưa tin, OPEC+ có thể gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong tháng 6 tới khi liên minh này vẫn lo ngại dư thừa nguồn cung nhiên liệu toàn cầu.
Tính đến thời điểm hiện tại, giá dầu Brent kỳ hạn giao tháng 5/2024 đã đạt trung bình 84 USD/thùng, ngang bằng với mức trung bình kể từ đầu thế kỷ sau khi điều chỉnh theo lạm phát.
Giá “vàng đen” đã tăng 6 USD/thùng, tương đương 7%, so với một năm trước khi OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện để thúc đẩy giá dầu.
Những dự báo về khả năng nguồn cung dầu mỏ thắt chặt hơn và lượng dầu dự trữ cạn kiệt được đưa ra hồi đầu năm đến nay đã không xảy ra.
Căng thẳng gia tăng tại Trung Đông khiến phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh tạm thời tăng lên, nhưng không có tác động thực sự nào đến nguồn cung dầu và phí bảo hiểm phần lớn đã giảm đi.
Bên cạnh đó, nỗ lực ngoại giao đã ngăn chặn xung đột giữa Iran và Israel, qua đó không ảnh hưởng đến sản xuất dầu hoặc xuất khẩu tàu chở dầu từ Vịnh Ba Tư.
Các chuyến tàu chở dầu đã được định tuyến lại từ Biển Đỏ và Vịnh Aden quanh mũi Hảo Vọng để tránh các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa từ các máy bay chiến đấu của lực lượng Houthi.
Chính sách sản lượng của OPEC+
Các bộ trưởng dầu mỏ OPEC+ nhấn mạnh, chính sách của nhóm này là phải chủ động và hướng tới tương lai. Điều này có thể đúng khi đề cập đến việc giảm sản xuất để ngăn chặn sự gia tăng lượng dầu dư thừa và ổn định giá cả.
Tuy nhiên, khi đề cập đến việc tăng sản lượng, OPEC+ thường đợi cho đến khi lượng dầu dự trữ giảm và giá đã tăng đáng kể. Trong thời điểm hiện tại, lượng dầu dự trữ và giá gần với mức trung bình dài hạn cho thấy các bộ trưởng OPEC+ có khả năng quyết định giữ sản lượng không thay đổi.
Trong thập niên qua, việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã hỗ trợ tích cực cho giá dầu, song điều này cũng thúc đẩy các nước ngoài liên minh tăng tốc khai thác, đặc biệt là ở Tây bán cầu.
Một số thành viên trong OPEC+ đã bày tỏ lo ngại về việc mất thị phần và thúc đẩy tăng sản lượng. Cho đến nay, Ả Rập Saudi vẫn tiên phong trong nhóm OPEC+ trong nỗ lực cắt giảm sản lượng để thắt chặt thị trường nhiên liệu.
Giới chuyên gia cũng bày tỏ sự hoài nghi về hiệu quả của chiến lược cắt giảm sản lượng của OPEC+, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy liên minh này sẽ cân nhắc lại chiến lược của mình.
Trong trường hợp các bộ trưởng dầu mỏ OPEC+ thừa nhận việc để mất thị phần trên thị trường dầu thế giới, liên minh này có thể viện dẫn triển vọng nhu cầu mạnh hơn và dự đoán lượng dầu dự trữ trong tương lai sẽ giảm để quyết định tăng sản lượng.
Mặc dù vậy, nếu OPEC+ đảo ngược quyết định siết nguồn cung thì mức tăng này có thể sẽ ở mức khiêm tốn và mang tính biểu tượng.
Đầu tháng 4 vừa qua, OPEC+ cho biết, nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm nay và 1,85 triệu thùng/ngày trong năm 2025. Cả hai dự báo này đều không thay đổi so dự báo trước đó.
Vào mùa Hè, thời điểm mọi người đi lại nhiều hơn, kéo theo nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng cao, OPEC cho rằng nhu cầu xăng tăng 400.000 thùng/ngày và dầu diesel tăng 200.000 thùng/ngày.
Theo kế hoạch, nhóm OPEC+ sẽ có cuộc họp vào ngày 1/6 tới để thảo luận về chính sách sản xuất của mình. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 7/5 cho biết, hiện không có cuộc thảo luận nào trong OPEC+ về việc tăng sản lượng dầu.