Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn đau đầu với dự án bất động sản nợ thuế "khủng"

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã triển khai nhiều giải pháp, từ động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đến cưỡng chế tài khoản, hóa đơn, thậm chí đề xuất thu hồi dự án, tuy nhiên, tình trạng các DN bất động sản, các dự án nợ thuế lớn chây ì nghĩa vụ với ngân sách vẫn là vấn đề nan giải với cơ quan thuế.

Mở bán rầm rộ vẫn nặng gánh nợ thuế

Nằm ở vị trí “đất vàng” của Hà Nội nhưng Dự án 21 Lê Văn Lương (có tên cũ là Thành An Tower) lại có số phận khá chìm nổi. Thành An Tower có quyết định giao đất từ năm 2009 do Tổng Công ty Thành An (Binh đoàn 11 – Bộ Quốc Phòng) làm chủ đầu tư. Sau đó, Thành An đã liên doanh với Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình triển khai và ồ ạt huy động vốn từ khách hàng mua nhà. Nhiều khách hàng đã bỏ hàng tỷ đồng để đặt cọc mua căn hộ và khóc mếu khi Dự án đắp chiếu gần cả thập kỷ.
Giữa tháng 3/2018, dù rầm rộ mở bán lại, Manhattan Tower 21 Lê Văn Lương vẫn nợ tiền sử dụng đất hơn 70 tỷ đồng. Ảnh: Nha Trang
Đầu năm 2018, Thành An Tower được triển khai trở lại với cái tên mới là Manhattan Tower 21 Lê Văn Lương với đơn vị phát triển mới được giới thiệu là Công ty CP Landmark Holding. Tại thời điểm đó, dù mở bán rầm rộ, Dự án này vẫn nợ hàng trăm tỷ đồng tiền sử dụng đất. Theo dữ liệu từ cơ quan thuế, đến giữa tháng 3/2018, Dự án 21 Lê Văn Lương vẫn nợ ngân sách Nhà nước 74,7 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Trước đó, từ tháng 6/2016, Chi cục Thuế quận Thanh Xuân đã có công văn gửi Công an quận Thanh Xuân đề nghị phối hợp thực hiện các biện pháp cưỡng chế tiền sử dụng đất với Tổng Công ty Thành An - Dự án 21 Lê Văn Lương với số nợ thuế hơn 188 tỷ đồng. Do chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên sau thời gian đầu khởi công nhỏ giọt trở lại hồi giữa năm 2017, Dự án này tiếp tục bị đình chỉ thi công. Việc “thay tên đổi họ” có thể cũng là cách để Dự án này tránh đi các thông tin tiêu cực về tình hình tài chính bết bát trước đây của Dự án chậm tiến độ gần một thập kỷ này.

"Cơ quan thuế hy vọng các chủ dự án, DN sớm thu xếp được nguồn tài chính để nộp các khoản tiền thuế nợ vào NSNN trước khi cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn." - Đại diện Cục Thuế Hà Nội
Mới đây nhất, ngày 8/5, Cục Thuế TP Hà Nội tiếp tục công khai đợt tháng 5/2018 danh sách 143 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất với số nợ hơn 253 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số 135 DN nợ thuế, phí đăng công khai đợt này có 19 DN nợ lớn với số tiền 195,439 tỷ đồng, Cục Thuế đã đăng công khai từ năm 2015 hoặc 2016. Tuy nhiên, số nợ của các DN này còn lớn nên Cục Thuế tiếp tục công khai lần 2 đối với các đơn vị này trong đợt tháng 5/2018.
Đề xuất thu hồi dự án nợ thuế chây ì

Trên thực tế, trong công tác quản lý nợ, ngành Thuế đã áp dụng hàng loạt biện pháp cưỡng chế để xử lý DN còn chây ỳ nợ thuế. Theo quy định của Luật Quản lý thuế, các biện pháp cưỡng chế nợ thuế phải thực hiện theo đúng quy trình, đúng thứ tự, từ cưỡng chế tài khoản đến thu hồi mã số thuế, đình chỉ việc sử dụng hóa đơn và thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh.

Theo một chuyên gia lĩnh vực bất động sản, thực tế, DN kinh doanh bất động sản lúc nào cũng trong tình trạng thiếu vốn nên nợ thuế là điều dễ hiểu. “Riêng mức lãi suất vay tiền ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp đã trên 11%/năm. Còn nợ thuế thì không phải thế chấp, DN có thể sử dụng số tiền nợ thuế để kinh doanh, sản xuất. Theo quy định, mức phạt đối với việc chậm nộp thuế hiện nay là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, tương đương khoảng 11%/năm, thấp hơn mức lãi vay đầu tư. Mức phạt giảm đã không đủ sức răn đe các DN chưa chấp hành việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách Nhà nước. Đó cũng là một trong những lý do gia tăng số DN bất động sản nợ thuế”- vị này cho hay.

Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tình trạng DN bất động sản nợ đọng thuế, cơ quan thuế nên công khai tên tuổi của DN để thị trường được minh bạch, người dân đánh giá được năng lực tài chính của chủ đầu tư trước khi quyết định mua nhà đất của dự án. Đồng thời, DN đã nợ thuế thì không được giao dự án để triển khai thực hiện. Đối với những dự án đang “treo” và nợ thuế, cần thu hồi để tránh tình trạng nợ tồn đọng.

Trước đó, cuối tháng 3/2018, UBND TP Hà Nội, Ban chỉ đạo đôn đốc thu nợ đọng thuế đã làm việc trực tiếp với gần 40 DN nợ thuế, phí và nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn. Trên tinh thần ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN, tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cũng nhấn mạnh, TP sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan có các giải pháp mạnh với các DN chây ỳ nghĩa vụ thuế. Với chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính; không chấp hành nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nợ theo cam kết, Phó Chủ tịch đề nghị các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất UBND TP thu hồi các dự án theo đúng quy định pháp luật.