Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vấn đề lớn nhất là thủ tục pháp lý

Mai Vân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường BĐS chững lại, song các chuyên gia đều nhận định sẽ không bị giảm sâu dài hạn, bởi vốn đầu tư vào lĩnh vực này vẫn ở mức cao. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia nghiên cứu thị trường thuộc Hiệp hội BĐS Việt Nam Vũ Quang Vinh.

Chuyên gia nghiên cứu thị trường thuộc Hiệp hội BĐS Việt Nam Vũ Quang Vinh
Ông đánh giá thế nào về sự giảm sút của thị trường BĐS?
- Chúng ta đã nhắc rất nhiều đến việc Chính phủ thực hiện rà soát, thanh tra các dự án, dừng cấp phép nhiều dự án mới và siết chặt sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là nguyên nhân chính dẫn đến sự giảm sút của thị trường BĐS từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan đây chỉ là bề nổi.
Bởi trong thời gian qua, cùng với những thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… đã xuất hiện rất nhiều thị trường mới nổi là các tỉnh ven biển có lợi thế về du lịch – nghỉ dưỡng và cả những tỉnh có công nghiệp – dịch vụ phát triển, đã kéo theo nguy cơ “bong bóng” BĐS nổi lên ở nhiều nơi.
Trên thực tế, trong thời gian qua, giao dịch BĐS diễn ra chủ yếu là qua tay nhà đầu cơ và đầu tư thứ cấp. Giao dịch diễn ra nhộn nhịp, môi giới hoạt động tích cực khiến cho thị trường chứng kiến nhiều đợt “sốt” giá. Khi giá các sản phẩm được đẩy cao hơn với thực tế và Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng cho vay để mua BĐS, các giao dịch mua đi – bán lại bị giảm xuống. Sự việc này đã ảnh hưởng đến bức tranh chung của toàn thị trường.
Những khó khăn này có ảnh hưởng lâu dài đến thị trường hay không, thưa ông?
- Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực BĐS đạt khoảng 2,8 tỷ USD, vẫn duy trì vị trí thứ hai về lĩnh vực – ngành nghề thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất. Trong bối cảnh thị trường đang khó khăn mà nguồn vốn đầu tư vẫn đổ vào lớn như vậy, chứng tỏ BĐS vẫn là lĩnh vực đầy tiềm năng.
Đối với DN trong nước, nguồn vốn đăng ký đầu tư vào BĐS vẫn ở mức cao. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, lượng trái phiếu mà các DN BĐS phát hành ra thị trường đạt tỷ lệ thành công tương đối lớn. Tính lũy kế từ đầu năm đến nay, các DN BĐS đã phát hành được trên 61.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 34% tổng số trái phiếu phát hành. Đặc biệt, riêng trong tháng 10 vừa qua, tổng giá trị trái phiếu DN phát hành trên 17.000 tỷ đồng, song chủ thể phát hành nhiều nhất lại thuộc về các công ty BĐS với 9.300 tỷ đồng.
Dựa vào các yếu tố này có thể khẳng định, thị trường BĐS khó có thể giảm sâu dài hạn mà đây chỉ là bước chuẩn bị cho một thời kỳ mới. Đây cũng là quy luật tất yếu của thị trường BĐS, cần khoảng thời gian chậm lại để củng cố, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tốt hơn.
Theo ông, cần phải làm gì để thị trường sớm bình ổn trở lại?
- Tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là những vấn đề liên quan đến chính sách. Việc tạm dừng cấp phép hay thanh tra các dự án là cần thiết nhằm làm “trong sạch” cho thị trường. Nhưng Nhà nước cũng cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định về luật để cho các dự án sớm được thực hiện.
Còn đối với vấn đề về tài chính – tín dụng, hiện nay các DN không còn liều mình "tay không bắt giặc" (đầu tư vốn 0 đồng – PV) mà đã có sự chủ động về các kênh vốn, nên khó khăn mặt này cũng sẽ sớm ổn định. Vấn đề lớn nhất đó là các thủ tục pháp lý.
Xin cảm ơn ông!