Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vận dụng linh hoạt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/10, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP do Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích...

Kinhtedothi - Ngày 22/10, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP do Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở Tài chính về tình hình thu, chi ngân sách năm 2015 và công tác xây dựng dự toán ngân sách năm 2016.

Theo thống kê của Sở Tài chính, đến ngày 19/10, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP đạt 107.821 tỷ đồng (không tính thu cổ tức và thu lợi nhuận của DN Nhà nước), tương đương 76,1% dự toán năm, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều lĩnh vực đều đạt cao như thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 89,7%, tăng 20,5% so với cùng kỳ; thu nội địa đạt 74,6%, tăng 15,7% so với cùng kỳ… Và cả năm ước sẽ đạt 103% dự toán (146.198 tỷ đồng). Cùng với đó, chi ngân sách địa phương đến nay cũng đạt 70,9% và ước cả năm đạt 118,4% dự toán HĐND TP giao. Việc thu ngân sách ở các quận, huyện cũng vượt khá cao (123% dự toán). Trong đó, thu tiền sử dụng đất đạt 124% với 24/30 quận, huyện đạt và vượt kế hoạch…
 Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc kết luận tại buổi giám sát.     Ảnh: Vũ Minh
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc kết luận tại buổi giám sát. Ảnh: Vũ Minh
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Doãn Toản nhìn nhận: Việc thu ngân sách năm 2015 rất khả quan, nhưng một số khoản thu vẫn đạt thấp so với dự toán (thu từ khu vực DN Nhà nước T.Ư, địa phương, thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; thu phí bảo trì đường bộ đến ngày 20/10 mới thực hiện đạt 5,3%). Nợ thuế, phí và các khoản liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất còn lớn (đến hết tháng 8, tổng số nợ thuế, phí, nghĩa vụ tài chính về đất là 25.732 tỷ đồng). Nợ xây dựng cơ bản (XDCB) đã tích cực bố trí nguồn xử lý theo Nghị quyết của HĐND TP, nhưng một số huyện có số dư lớn, vượt quá khả năng thanh toán ngân sách huyện (Quốc Oai, Ứng Hòa, Ba Vì)…

Đoàn giám sát cho rằng, dưới góc độ cơ quan tham mưu, Sở nên quan tâm đến việc tăng tìm kiếm nguồn lực, tạo cho cơ sở sự chủ động để tăng thu; có cơ chế khuyến khích tăng thu với những đơn vị hiện thu thấp nhưng có tiềm năng. Đồng thời, nghiên cứu để trong giai đoạn tới sẽ phải sửa đổi phân cấp kinh tế - xã hội và ngân sách, tránh tình trạng cào bằng, tăng số đơn vị có thể tự điều tiết ngân sách, giảm tỷ lệ ngân sách TP bao cấp…

Với nhận định, đến nay, ngân sách tăng với 13% so với cùng kỳ đã khẳng định vai trò của cơ quan tài chính trong việc chủ động, quyết liệt thực hiện các giải pháp chống thất thu, khai thác nguồn thu mới…, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc mong muốn: Những tháng cuối năm, Sở tiếp tục phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra. Cùng với đó, phối hợp xem xét về quy trình thủ tục đấu giá đất xen kẹt, cần đẩy mạnh tiến độ, để tạo nguồn thu cho các quận, huyện. Đôn đốc nợ XDCB, cân đối nợ của TP với các chương trình mục tiêu, kiểm duyệt các dự án không để phát sinh nợ XDCB mới. Đặc biệt, Sở phải kiểm soát chặt chẽ chi, đảm bảo tăng nguồn thu, nhưng nguồn chi phải chặt chẽ.

Về việc xây dựng kế hoạch năm 2016, Chủ tịch HĐND TP đề nghị Sở Tài chính bám sát nguyên tắc của HĐND và UBND; có giải pháp khắc phục các tồn tại của năm 2015. Trong xây dựng dự toán, tham mưu TP có cơ chế khuyến khích tăng cường nguồn thu với những địa bàn có tiềm năng nội lực, nhưng cũng coi đây là hình thức “cảnh báo” những đơn vị thu thấp, TP phải điều tiết nhiều. Đi kèm với có giải pháp thực hiện các chỉ tiêu về an sinh xã hội. Cùng với đó, phối hợp với các ngành triển khai Luật Đầu tư công cho hiệu quả, đảm bảo khoa học. Rà soát các cơ chế chính sách đã ban hành, xem xét nguồn lực thực tế để tham mưu TP chỉ đạo kịp thời.

 Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát số 2 do Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở KH&ĐT về thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư XDCB năm 2015. Từ thực tế giám sát ở các quận, huyện, Đoàn đề nghị Sở rà soát số liệu nợ, phân định rõ những phần vốn thuộc trách nhiệm hỗ trợ của TP cho các chương trình mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp..

Thống kê của Sở KH&ĐT cho thấy, đến ngày 30/9, số nợ XDCB còn lại phải xử lý trong năm 2015 là 1.503,4 tỷ đồng, tập trung ở 12 đơn vị.