Kinhtedothi - Chiều 11/9, UBND TP Hà Nội đã họp giao ban trực tuyến với các quận, huyện về công tác đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ) và giao đất dịch vụ (DV) trên địa bàn TP. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Sở TN&MT, đến hết tháng 8/2015, đã có 17 đơn vị ĐGQSDĐ với diện tích 13ha, số tiền trúng đấu giá đạt 1.722 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch. Quỹ đất đã hoàn thành xong công tác GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật (HTK) là 31 dự án với diện tích khoảng 44,3ha. Các quận, huyện thực hiện tốt công tác ĐGQSDĐ như quận Long Biên đạt 344 tỷ đồng, huyện Gia Lâm 246 tỷ đồng, quận Nam Từ Liêm 345 tỷ đồng...
Công tác giao đất DV cho người dân cũng được các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, quận Hoàng Mai đã giao đất DV cho 318/389 hộ (đạt 81,75%), huyện Thường Tín giao 1.450/1.844 hộ (đạt 76,83%), huyện Đan Phượng giao 25.04/3.345 hộ (đạt 77,55%). Đây là những con số rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác ĐGQSDĐ và giao đất DV cho các hộ dân đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc. Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, theo Luật Đất đai 2013, các DA đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (vốn ngoài ngân sách) thực hiện giao đất thông qua hình thức đấu giá hoặc nhận chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; hiện nay triển khai gặp khó khăn về vốn. Một số DA chưa hoàn thành GPMB và xây dựng HTKT theo đúng tiến độ được duyệt. Nhiều quận, huyện còn tồn nhiều quỹ đất chưa đấu giá như huyện Đông Anh, huyện Gia lâm, quận Cầu Giấy, huyện Thanh Trì...
Theo Sở TN&MT, Điều 68 Luật Đất đai 2013 quy định: “Giao đất cho tổ chức dịch vụ công về đất đai để quản lý, ĐGQSDĐ”; Điều 5 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ban hành ngày 15/5/2014 quy định: “ĐGQSDĐ là do Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) thực hiện”. Ngay sau khi thành lập, việc ĐGQSDĐ thuộc thẩm quyền của TTĐGQSDĐ (trực thuộc Sở TN&MT) theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng nhiều DA trước đây UBND TP giao cho UBND các quận, huyện làm chủ đầu tư thực hiện GPMB, xây dựng HTKT để ĐGQSDĐ, nếu hiện nay thực hiện đúng quy định sẽ khó khăn cho UBND các quận, huyện trong quá trình triển khai.
Về việc giao đất DV, nhiều nơi người dân chậm nộp tiền hoặc có những nơi do người dân chưa có nhu cầu nên chưa nộp. Nhiều gia đình thuộc diện có đất nhưng giao dịch mua bán từ trước, điều này dẫn đến chậm tiến độ giao đất DV.
Phát biểu tại buổi giao ban, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh: “Theo kế hoạch của năm 2015, quỹ thời gian hiện còn hơn 3 tháng, với bối cảnh bất động sản đang ấm dần lên, tôi cho rằng, chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra”.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP giao Sở TN&MT và Sở Tư pháp “điểm danh” các đơn vị đấu giá chuyên nghiệp của TP nhằm giúp đỡ những quận, huyện gặp khó khăn đối với việc đấu giá các dự án nhỏ lẻ. Với những trường hợp không thể xử lý được, các đơn vị mới nên đề xuất, kiến nghị. Đối với các DA nhỏ lẻ xen kẹt, vẫn tiếp tục làm đủ thủ tục để đấu giá. Trong quá trình triển khai, Sở TN&MT phải là đơn vị đầu mối, thông qua Sở Tài chính để thẩm định, trình TP phê duyệt. Nếu khó khăn mới thuê tư vấn, chuyên gia thẩm định. Đối với các dự án đã hoàn thành các thủ tục mà chậm triển khai, phải đôn đốc, nếu quá thời hạn thì phải thu hồi. DA nợ tiền sử dụng đất phải xem xét, nếu quá khó khăn phải tìm cách giải quyết, tránh buông lỏng.
Đối với công tác giao đất DV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh đánh giá, đến nay, các quận, huyện đã thực hiện được 37,7% kế hoạch, dù chưa phải là khối lượng nhiều nhưng đây là tiền đề để các đơn vị tiếp tục triển khai. TP đã dành 500 tỷ đồng cho việc xây dựng HTKT nhưng đến nay vẫn đang phải đôn đốc các địa phương trình phương án, vì vậy phải quyết liệt mới làm được. “Nguồn vốn TP đã có, nếu đơn vị nào cần thì có thể vay TP, chứ không thể để 500 tỷ đồng “đắp chiếu”. Nếu đơn vị nào không làm, TP sẽ cắt suất” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP nhấn mạnh.
Để giải quyết việc mua bán “trao tay” đất DV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng: “Nói ra có vẻ phức tạp nhưng rất đơn giản. Chính quyền cứ mời chủ sử dụng đất lên, nếu họ khước từ thì phải ký vào biên bản. Không nên bắt người dân phải làm đơn từ mà nên vận dụng các quy định của pháp luật để giúp dân”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh chủ trì cuộc họp
|