Luật gia Nguyễn Vinh Tùng (Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia Hà Nội):
Tăng yếu tố nội lực cho việc thực hiện Luật
Dự thảo Luật sửa đổi lần này có những bước tiến bộ so với Luật cũ và dự thảo Luật năm 2023, cả về cấu trúc cũng như đề cập đầy đủ các cái mặt, lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, yêu cầu của Dự thảo Luật Thủ đô chưa được rõ về yếu tố con người là yếu tố chủ thể và yếu tố linh hồn, biểu tượng của Hà Nội. Do đó, cần phải đưa như thế nào để tăng yếu tố nội lực cho việc thực hiện Luật cũng như phát triển Thủ đô.
Thứ hai, cần có kết nối với chủ trương của Đảng về chiến lược con người và chiến lược phát triển kinh tế ở vùng đất linh thiêng, có bề dày lịch sử, bề dày văn hóa. Chiến lược con người phải thể hiện rõ hơn để quy định những tính vượt trội, tính đặc biệt cho sự phát triển Thủ đô.
Cho nên, dự thảo Luật lần này cần có cách đặt vấn đề ở bố cục cũng như các chương, điều đặc biệt hơn, có tính riêng biệt và tính vượt trội thì giá trị của Luật cao hơn. Nói cách khác, giá trị của Luật Thủ đô lần này phải có tính vượt trội - đấy là yêu cầu lớn nhất của việc xây dựng Luật.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng dự thảo Luật với những chương, điều mới có tính cụ thể, nằm trong tính toàn diện và phát triển, đặc biệt là phải căn cứ vào thực tế của Thủ đô để có biện pháp đồng bộ và quy định vượt trội hơn.
Phó Chủ tịch Hội Luật gia quận Hoàng Mai Nguyễn Anh Thư:
Tạo điều kiện phát triển văn hóa
Dự thảo Luật Thủ đô lần này đã kế thừa và phát huy được Pháp lệnh Thủ đô cũng như Luật Thủ đô năm 2012, đã cụ thể hóa được rất nhiều điểm chung ở trong Luật Thủ đô năm 2012.
Ở góc độ cá nhân, tôi rất tâm đắc với vấn đề phát triển văn hóa được quy định trong Luật Thủ đô. Tuy nhiên, tôi có một góp ý nhỏ là nên làm rõ những khái niệm, tính định tính trong luật, vì Luật cần phải cụ thể hóa và rõ ràng.
Tôi ủng hộ quan điểm phát triển văn hóa và cho rằng, khi các địa phương được tạo điều kiện cho phát triển văn hóa, từ đó thúc đẩy thương mại cũng như kinh tế của địa phương phát triển, thì phải có cái sự đóng góp trở lại. Tôi mong muốn trong thời gian tới, có thêm nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc và công tâm hơn nữa để Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm hoàn thiện và được đưa cuộc sống.
Luật gia Nguyễn Bá Hội – Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Viện Nghiên cứu và Đào tạo về quản lý (VIM):
Chú trọng vào công tác giáo dục và đào tạo
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này so với Luật Thủ đô năm 2012 có nhiều tiến bộ, đề cập đến rất nhiều vấn đề một cách toàn diện hơn và chi tiết hơn.
Tuy nhiên, trong các điều luật nói chung lại đang đề cập đến mục tiêu và định hướng nhiều hơn là những quy định cụ thể. Tôi mong muốn trong Dự Luật lần này tất cả các điều mà mang tính định hướng sẽ được cụ thể, chi tiết hơn, các thuật ngữ mang tính định tính, không định lượng được thì có thể giảm bớt đi, để đảm bảo cho tính khả thi của Luật.
Bên cạnh đó, nên chọn những vấn đề cốt lõi đưa vào Luật để làm động lực phát triển Thủ đô tốt hơn. Muốn xây dựng được Thủ đô văn minh lịch sự, xứng tầm với thế giới, trước hết phải chú trọng vào công tác giáo dục và đào tạo. Vì chỉ có con người khi đạt được trình độ văn minh, hiện đại và đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện nay thì mới xây dựng được Thủ đô tốt và đáp ứng được cái nhu cầu, mong muốn đặt ra.
Ngoài ra, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cố gắng xây dựng được cơ chế, chính sách cho khoa học và công nghệ phát triển, vì khoa học công nghệ phát triển là động lực để Thủ đô phát triển. Chúng ta đang tập trung vào khoa học ứng dụng, đó chỉ là một hướng. Có lẽ Luật lần này cũng nên đề cập đến việc Thủ đô phải tạo động lực đầu tàu trong cả nước về nghiên cứu khoa học cơ bản. Liệu Hà Nội có đảm đương được việc này hay không, hay phải dựa vào Nhà nước là những vấn đề đặt ra.
Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ Lê Trung Đức:
Quy định phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Dự thảo Luật lần này rất đầy đủ, chặt chẽ và quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội và phân cấp, phân quyền rất rõ ràng. Do đó, chúng tôi nhất trí và chỉ tham gia bổ sung và làm rõ thêm về “Tổ chức chính quyền đô thị”.
Cụ thể, tại Chương 2 về “Tổ chức chính quyền đô thị”, cần quy định phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã ban hành. Tại Chương 3 quy định về “Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô”, cần quy định rõ ở từng mục, chia ra làm 4 mục, gồm: Xây dựng Thủ đô; Phát triển Thủ đô; Quản lý Thủ đô; Bảo vệ Thủ đô. Sắp xếp, bố trí từ Điều 17 đến Điều 33 vào 4 mục này.