Kinhtedothi - Đây là hai nhóm vấn đề được các cán bộ lão thành cách mạng và các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt TP Hà Nội qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm tại hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ TP do Thành ủy tổ chức sáng 14/4. Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Tiểu ban Văn kiện, Ban biên tập Văn kiện tập trung tổ chức thực hiện, nghiên cứu, chuẩn bị, xây dựng Đề cương tổng quát, Đề cương chi tiết, biên tập dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ TP đảm bảo chất lượng và tiến độ. Nhằm phát huy dân chủ, trách nhiệm, tập trung trí tuệ đóng góp vào dự thảo báo cáo chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức một số hội nghị lấy ý kiến góp ý rộng rãi của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ, đảng viên, đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, nhân dân Thủ đô và ý kiến của các bộ, ngành T.Ư…
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Hải |
Việc tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ TP là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy dân chủ, qua đó chắt lọc, tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội, trước khi công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân tiếp tục góp thêm trí tuệ vào văn kiện quan trọng này. Đồng thời cũng góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với chủ trương, định hướng phát triển Thủ đô trong nhiệm kỳ tới. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng nhấn mạnh: Với tinh thần cầu thị, Ban Thường vụ Thành ủy luôn trân trọng và đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu của các đồng chí, những người đã luôn tâm huyết và có tình yêu đối với Thủ đô nghìn năm văn hiến. Với trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết đối với Thủ đô, cùng với trí tuệ, kinh nghiệm của mình, Thành ủy mong muốn các bác, các đồng chí thẳng thắn đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ TP để văn bản quan trọng này thực sự là kết tinh trí tuệ và ý chí của toàn Đảng bộ TP và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô. Tại hội nghị, đã có 12 ý kiến của cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên lãnh đạo TP đóng góp cho dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ TP. Các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Thành ủy; đã đánh giá cơ bản chính xác, khách quan về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2011-2015, những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống cũng được phản ánh khá đầy đủ, không né tránh những hạn chế, khuyết điểm. Góp ý sâu vào nội dung dự thảo, đa số các ý kiến đều đề nghị cần đánh giá rõ hơn về vị trí, vai trò Thủ đô, “xem Hà Nội đang đứng ở đâu trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa”. Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Chí Mỳ cho rằng, trong giai đoạn từ 2016 đến 2020 phải tập trung hoàn thiện nền tảng vững chắc để chuẩn bị “đường băng” cho Thủ đô “cất cánh” về đích công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong nhiệm kỳ sau. Vì vậy, theo ông, nên đánh giá sâu hơn về 9 Chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá để từ đó đưa ra những chiến lược, giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thanh Hải |
Hai vấn đề được hầu hết các đại biểu đặc biệt đề cập đến là văn hóa người Hà Nội và xây dựng nền kinh tế tri thức. Theo đại tá Đỗ Viết Thông, trong 3 khâu đột phá được dự thảo đưa ra có “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới” là chưa đầy đủ. Bởi lẽ, nguồn nhân lực ở đây phải là nguồn nhân lực chất lượng cao, nên phải làm sao để thu hút nhân tài, xây dựng nền kinh tế tri thức bằng những cơ chế, chính sách cụ thể. Trong khi đó, Hà Nội có lợi thế lớn với rất nhiều trường đại học, viện khoa học danh tiếng trên địa bàn. “Thủ đô nên là đầu tàu thu hút nhân tài”, đại tá Thông đề nghị. Đồng tình với quan điểm trên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Trần Thị Tâm Đan cho rằng cần thay đổi tư duy, có chiến lược, đầu tư và quan tâm đúng tầm hơn nữa đến kinh tế tri thức. Đối với xây dựng văn hóa người Hà Nội, cho rằng đây là vấn đề khó, bởi sự xáo trộn lớn về dân cư trong những năm qua, nhưng các đại biểu đều nhấn mạnh phải đề cập, đánh giá đúng để đưa ra những giải pháp nhằm từng bước tạo chuyển biến. Trưởng ban liên lạc các chiến sỹ bị địch bắt tù đày Huỳnh Đắc Hương nói: “Nếu giải quyết vấn đề này không đầy đủ sẽ dẫn đến suy thoái về đạo đức, chính trị, lối sống. Thủ đô mà tụt hậu về văn hóa, khủng hoảng sẽ nhanh hơn kinh tế rất nhiều”. Cán bộ lão thành cách mạng Lê Đức Vân cũng cho rằng phải làm sao để mỗi người đều tự hào là công dân Thủ đô, từ đó có những hành động, trách nhiệm cụ thể giữ gìn, phát triển văn hóa Hà Nội. Tại hội nghị, một số ý kiến khác đề nghị trong phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới, Thành ủy cần nhấn mạnh giải pháp xây dựng hệ thống chính quyền trong sạch, vững mạnh, nhất là hệ thống chính quyền cơ sở; đánh giá chất lượng đảng viên, chất lượng cơ sở đảng chính xác, sát thực hơn; xây dựng những chỉ tiêu phù hợp, tương xứng với Thủ đô…