Tại Hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia văn hóa đã tập trung trao đổi một số vấn đề cơ sở lý luận và thực tiễn về sức mạnh văn hóa Việt Nam. Đồng thời, các chuyên gia cũng tập trung chia sẻ một số kinh nghiệm tại các quốc gia, địa phương và giải pháp, phương thức gia tăng sức mạnh mềm văn hóa.
Tại Hội thảo PGS TS Lê Huy Đức - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Sức mạnh mền văn hóa được xuất phát từ chính bản thân văn hóa và năng lực bản thân con người. Tuy vậy, sức mạnh mềm văn hóa chỉ được nhận thức sau khi văn hóa trở thành công cụ của các quốc gia chủ nghĩa tư bản đề tìm kiếm thuộc địa và trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ toàn cầu hóa và nhội nhập quốc tế. Sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam ngày nay được nhận định là chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút, thuyết phục để cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, Việt Nam cần phải tạo ra sức mạnh mềm văn hóa phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, bằng cách tiếp thu, học tập và hợp tác với các quốc gia đị trước trong việc phát huy thành công sức mạnh mềm văn hóa”.
Nhìn ở góc độ ngoại giao, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những hoạt động ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, nhiều nước thường sử dụng sức mạnh mềm của quốc gia thông qua ngoại giao văn hóa để gia tăng ảnh hưởng và phục vụ các mục tiêu đối ngoại. PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Thủy - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn chia sẻ: “Trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, ngoại giao văn hóa đã được sử dụng để phục vụ các mục tiêu của chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử trong mỗi giai đoạn khác nhau nên ức độ hoạt động ngoại giao văn hóa trong mỗi thời kỳ cũng khác nhau”.
Riêng đối với Hà Nội, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Trong quá trình đổi mới, lãnh đạo TP luôn nhận thức rõ và có quan điểm nhất quán “Phát triển văn hóa là ưu tiên hàng đầu, là trụ cột để phát triển bền vững của Thủ đô”. Do đó trong hoạch định chính sách, Hà Nội luôn gắn liền với văn hóa, coi văn hóa là “sức mạnh mềm” cho phát triển.
Trong xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới, Thành phố xác định cần triệt để nắm bắt cơ hội, bắt kịp thời đại, xây dựng tầm nhìn phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô. Vì vậy, mục tiêu hướng tới xây dựng Hà Nội trở thành “Thủ đô sáng tạo” đầu tiên tiên của khu vực Đông Nam Á, tham gia vào “Mạng lưới các TP sáng tạo UNESCO” là hướng đi và lực chọn quan trọng. Để làm được điều đó, trong thời gian tới, Hà Nội đặc biệt coi trọng việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là từ các nước có ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo phát triển nhằm phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo, tập trung đầu tư sáng tạo, gia cường nội lực và thu hút mạnh mẽ ngoại lực sáng tạo, tạo bứt phá trong phát triển Thủ đô.
Có thể khẳng định, Hà Nội với cách nghĩ, tầm nhìn mới cùng với quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo TP, sự đoàn kết và thống nhất của người dân Hà Nội đã, đang và sẽ tạo nên tầm cao mới, vị thế mới cho Thủ đô, đặc biệt là vai trò, giá trị “sức mạnh mềm” văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến trong quá trình hội nhập và phát triển.