KTĐT - Thế giới đã trải qua tuần đầu tiên của năm mới 2011 với rất nhiều lo toan, đặc biệt "khủng hoảng" vẫn là những cụm từ được truyền thông toàn cầu nhắc đến nhiều nhất với nguy cơ khủng hoảng tín dụng lần 2 tại châu Âu, khủng hoảng lương thực trên toàn cầu và khủng hoảng niềm tin tại bán đảo Triều Tiên…
Mặc dù lãnh đạo của Đức và Pháp nhấn mạnh việc từ bỏ sử dụng đồng Euro là một ý tưởng điên rồ, và hơn lúc nào hết Liên minh châu Âu (EU) phải đoàn kết để vượt qua khó khăn. Nhưng cuộc khủng hoảng tín dụng lần hai vẫn là một nguy cơ hiện hữu của EU với hàng nghìn tỷ USD cần được tái cấp vốn hoặc bán đi. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso nhận định "2011 sẽ là một năm không hề dễ dàng và thực tế, đây là năm đầy thách thức". Ngay trong tuần đầu tiên của năm, cuộc đua phát hành trái phiếu để trang trải nợ nần đã thực sự bắt đầu khi Đức đấu giá 5 tỷ Euro trái phiếu 10 năm và Pháp phát hành các loại trái phiếu 10, 15 và 20 năm với tổng trị giá ước tính từ 7,5- 9 tỷ Euro. Trong khi đó, hôm 5/1, Chính phủ Bồ Đào Nha đã phát hành ra thị trường công trái tổng trị giá 500 triệu Euro. Cùng ngày, EC đã phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn 5 năm trị giá 5 tỷ Euro để trợ giúp
Tuần qua, bên cạnh giá dầu, giá lương thực tăng cao kỷ lục lên 214,7 điểm trong tháng 12/2010 làm tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực. Mặc dù đại diện G 20 và Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định sẽ tìm ra các biện pháp để giải quyết những vấn đề về an ninh lương thực nhưng vấn đề giá cả leo thang khiến kiềm chế lạm phát trở thành tâm điểm năm 2011.
Khủng hoảng niềm tin khiến bán đảo Triều Tiên trong tuần qua vẫn chưa hết căng thẳng. Hôm 8/1, Ủy ban Hòa bình Thống nhất của Triều Tiên đã tuyên bố đề xuất "kịp thời và hợp lý" nối lại đàm phán với Hàn Quốc về các vấn đề du lịch, khu công nghiệp và Chữ thập đỏ vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 năm nay nhưng phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhấn mạnh Seoul không coi tuyên bố trên của Bình Nhưỡng là một đề nghị đối thoại chính thức mà là một "thông báo đơn phương". Rõ ràng vấn đề xây dựng và củng cố niềm tin giữa hai miền vẫn cần rất nhiều thời gian và đòi hỏi nỗ lực từ hai Chính phủ và các đồng minh thân cận của mình.