Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn minh để dạy con

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này, kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6 ở một số trường trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu. Sức nóng của cuộc đua vào lớp 6 tỏa ra từ phòng thi cho đến bên ngoài cổng trường. Chiếc cổng đón thí sinh vào từng điểm thi rộng chừng 10m2 nhưng hàng trăm phụ huynh vây kín cổng. Ai cũng cố ngoái đầu ngóng vào cửa phòng thi để tìm hình bóng dáng con mình.

Phụ huynh chúc con thi tốt trước cổng trường thi. Ảnh: Chí Hiếu
Tình nguyện viên đề nghị phụ huynh giãn khoảng cách, đứng xa vị trí cổng trường để nhường đường cho các thí sinh đến sau. Loa cứ nhắc, người cứ đứng, chẳng ai chịu đứng né sang bên. Phụ huynh có con không chen vào được đến cổng dự thi thì bức xúc. Phụ huynh đứng vây kín cổng bị nhắc giãn cách thì lớn tiếng: "Làm gì có biển cấm đứng mà cấm chúng tao? Mấy đứa trẻ con, bé nứt mắt làm tình nguyện viên mà cứ lắm trò"… Chẳng thiếu những lời lẽ mạt sát được thốt ra dành cho những tình nguyện viên đang nỗ lực hết mình phục vụ kỳ thi, hỗ trợ tốt nhất cho các thí sinh.
Trong số hàng nghìn phụ huynh đưa con đi dự thi, mấy ai ghi nhận những bạn tình nguyện viên chỉ hơn con em mình 3 - 4 tuổi nhưng đội nắng, đội mưa dẫn thí sinh đến sai điểm trường về đúng vị trí dự thi. Cũng chỉ vài phụ huynh ánh lên những ánh mắt khâm phục, trìu mến khi thấy một đứa trẻ lớp 10 cầm ô, cõng thí sinh lớp 5 chạy gần 1km giữa trời mưa để kịp đến địa điểm thi đúng lúc tính giờ làm bài.
Các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp đang bắt đầu diễn ra. Độ nóng không chỉ đo bằng thời tiết mà cả bằng sự cạnh tranh đầu vào. Với những trường có lượng thí sinh dự thi cao, từng địa điểm thi trong mỗi kỳ đánh giá năng lực đón nhận vài nghìn học sinh và đi kèm theo đó là từng ấy phụ huynh. Thậm chí, số phụ huynh còn nhiều hơn số học sinh dự thi. Chính vì vậy, ùn tắc cục bộ là điều không tránh khỏi. Nhưng mỗi người mỗi ý thức sẽ góp phần loại bỏ những bức xúc không đáng có.
Đưa con đi dự thi, ai cũng lo lắng cho con, muốn con em mình đỗ đạt. Nhưng trước khi đỗ bằng trí thức, bằng lực học thì cần đạt cả về ứng xử. Văn hóa ứng xử đó học sinh học từ trong nhà trường và học từ chính cha mẹ mình.