Vẫn nhiều thách thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản (BĐS) đang có xu hướng hồi phục, ấm dần lên. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều rào cản cho sự phát triển lành mạnh của thị trường.

 
Vẫn nhiều thách thức - Ảnh 1
Đây là nhận định của ông Trần Ngọc Quang - quyền Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam về triển vọng của thị trường khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

Ông nhận định thế nào về diễn biến của thị trường BĐS trong thời gian gần đây?

- Thị trường BĐS từ cuối năm 2013 đến nay có nhiều chuyển biến tích cực. Giá nhà đã dần ổn định, giao dịch tăng dần theo từng quý và tín hiệu tốt này diễn ra ở nhiều phân khúc nhà ở dành cho người thu nhập thấp và trung bình; BĐS trung và cao cấp. Giao dịch đã tăng mạnh khoảng hơn 45% so với cuối năm 2013. Bên cạnh đó, lượng căn hộ được chào bán ra thị trường nhiều hơn rất nhiều so với năm 2013. Niềm tin của người dân, nhà đầu tư vào thị trường được cải thiện. Do đó, thị trường sẽ bớt khó khăn, từng bước hồi phục vững chắc và giao dịch khả quan trong cuối năm 2014.

Nhưng, thưa ông, nhiều người cho rằng, thị trường BĐS vẫn tồn tại nhiều bất cập?

- Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng thị trường BĐS vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết là thách thức về chính sách và hệ thống pháp luật. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách đã sát thực tế hơn song vẫn mang tính ổn định thấp, thiếu khả thi, và còn nhiều chồng chéo. Mặt khác, đội ngũ cán bộ thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực BĐS chưa chuyên nghiệp, tính kỷ luật còn kém.

 
Chung cư 151 Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai. Ảnh: Chiến Công
Chung cư 151 Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai. Ảnh: Chiến Công
Trong khi đó, dù công tác lập quy hoạch đã được quan tâm triển khai, nhất là ở các đô thị lớn, song vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề. Đặc biệt là chất lượng, tính bền vững của quy hoạch chưa cao. Tính minh bạch và phổ biến rộng rãi để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhà đầu tư khi muốn tìm hiểu và nắm bắt thông tin của quy hoạch còn mang tính lý thuyết hơn thực tế. Việc lập kế hoạch triển khai các đồ án quy hoạch chưa được nghiên cứu và quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu dự án.

Ngoài ra, với thời gian hơn 20 năm, các thành tố của thị trường BĐS như doanh nghiệp phát triển dự án, doanh nghiệp đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, quản lý, môi giới BĐS vẫn chưa được hình thành rõ nét, ăn khớp. Các quy định Nhà nước điều chỉnh hoạt động của các thành tố này cũng không ổn định, gây khó khăn cho sự phát triển. Trong khi đó, các công cụ tài chính hỗ trợ cho thị trường, năng lực của đơn vị kinh doanh phát triển BĐS yếu và thiếu; thị trường chưa có độ minh bạch cao và cũng chưa có giải pháp quyết liệt để nâng cao tính minh bạch...

Thực tế BĐS phát triển không lành mạnh là do một bộ phận không nhỏ những người làm dịch vụ BĐS làm ăn chụp giật. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Trên thực tế, đại đa số các sàn giao dịch, môi giới đều làm việc một cách nghiêm túc, có trách nhiệm với khách hàng. Tuy nhiên, do tính chuyên nghiệp trong hoạt động này không cao, việc quản lý các hoạt động dịch vụ BĐS chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức, các đầu mối được giao quản lý chưa thực thi đầy đủ trách nhiệm của mình. Thêm vào đó là sự phức tạp và không rõ ràng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo kẽ hở cho một số cá nhân, tổ chức làm dịch vụ BĐS kiếm lợi không minh bạch, gây ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng và toàn bộ thị trường.Trong thời gian tới, các doanh nghiệp, đơn vị BĐS làm việc không đúng đắn, thiếu chuyên nghiệp chắc chắn sẽ bị đào thải. Phát triển các đơn vị, tổ chức làm việc chuyên nghiệp là điều tất yếu, và điều đó sẽ giúp thị trường ngày càng, minh bạch.

Vậy theo ông, làm thế nào để tăng tính minh bạch của thị trường BĐS?

- Để thị trường BĐS minh bạch, các cơ quan soạn thảo và phê duyệt luật, chính sách cần lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người dân. Cơ chế cung cấp thông tin thị trường hai chiều cần được luật hóa. Các chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh, phát triển, dịch vụ BĐS phải có trách nhiệm báo cáo với cơ quan Nhà nước quản lý chuyên ngành về tình hình hoạt động của đơn vị mình một cách trung thực, thường xuyên và kịp thời. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị, sử dụng đất và phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội có liên quan, thông tin giá đất tại từng khu vực rõ ràng... để các nhà đầu tư nắm được trước khi quyết định đầu tư. Quan trọng hơn là Nhà nước cần thực sự quan tâm và nâng cao vai trò hoạt động của các hiệp hội ngành nghề liên quan đến BĐS.

Xin cảm ơn ông!