Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù trong những tháng đầu năm, một số quan hệ cân đối kinh tế vĩ mô có sự cải thiện nhất định, nhưng chưa thật cơ bản và vững chắc.

Diễn biến trong những tháng đầu năm cho thấy, khả năng cả năm 2014 cân đối giữa sản xuất, tích lũy và tiêu dùng sẽ tiếp tục xu hướng của 2 năm trước (tức là tích lũy và tiêu dùng cuối cùng thấp hơn sản xuất).
Quan hệ sản xuất, tích lũy và tiêu dùng (%)
 
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nhìn tổng quát, đó là sự cải thiện theo hướng tích cực. Từ năm 2011 trở về trước, tích lũy và tiêu dùng cuối cùng đã vượt sản xuất; mất cân đối vĩ mô này là một trong những yếu tố làm cho lạm phát cao, lặp đi lặp lại; làm cho nhập siêu lớn cả về quy mô tuyệt đối lẫn tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu. Từ năm 2012, nhờ tích lũy và tiêu dùng cuối cùng thấp hơn sản xuất, đã góp phần kiềm chế lạm phát ở trong nước, chuyển từ nhập siêu sang xuất khẩu hàng hóa trong quan hệ buôn bán với nước ngoài…

Tuy nhiên, sự cải thiện đó chưa thật cơ bản và vững chắc khi sản xuất GDP cao hơn tích lũy và tiêu dùng cuối cùng không phải do tốc độ tăng GDP cao lên, mà chủ yếu do tỷ lệ giữa tích lũy và tiêu dùng cuối cùng/GDP giảm xuống; tốc độ tăng bình quân năm trong 2 năm 2012-2013 của tích lũy và tiêu dùng cuối cùng là 4,82%, thấp hơn tốc độ tăng tương ứng của GDP (5,33%/năm).

Sau một số năm mất cân đối tương đối lớn, từ cuối năm 2011 đến nay, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam đã được cải thiện một bước quan trọng. Cán cân tổng thể liên tục thặng dư, góp phần đưa dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay, với mức 35 tỷ USD, góp phần làm tăng tính thanh khoản và nâng cao tính an toàn tài chính của quốc gia, góp phần ổn định tỷ giá từ hơn ba năm nay (năm 2011 tăng 2,24%, năm 2012 giảm 0,96%, năm 2013 tăng 1,09%, 5 tháng 2014 giảm 0,04%).

Các yếu tố góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế có nhiều. Lượng vốn  đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện năm trước đã đạt kỷ lục; 5 tháng năm nay tăng 6% so với cùng kỳ. Lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giải ngân năm trước đạt kỷ lục và 5 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng 6,7%. Lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) năm trước tăng, năm tháng đầu năm nay tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Nếu thời kỳ 2007-2011, Việt Nam nhập siêu hàng hóa ở mức rất cao cả về kim ngạch tuyệt đối (13,5 tỷ USD/năm), cả về tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (20%), thì từ năm 2012 đã chuyển sang xuất siêu (năm 2012 xuất siêu 749 triệu USD, năm 2013 xuất siêu trên 9 triệu USD, 5 tháng 2014 xuất siêu gần 1,65 tỷ USD). Quy mô nhập siêu về dịch vụ đã giảm xuống (năm 2011 là 3168 triệu USD, năm 2012 là 2900 triệu USD, năm 2013 là 1400 triệu USD…).

Tuy nhiên, thặng dư của cán cân thanh toán chưa bền vững. Lượng vốn FDI đăng ký bị sụt giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2014. Xuất siêu là nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn khu vực kinh tế trong nước nhập siêu lớn; có một phần quan trọng do nhu cầu đầu tư, sản xuất và tiêu dùng ở trong nước co lại, trong khi tính gia công còn lớn, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển.

Cân đối thu, chi ngân sách gặp khó khăn trong năm 2012 và năm 2013 chủ yếu do tăng trưởng kinh tế suy giảm, số doanh nghiệp bị phá sản, ngừng hoạt động, ngừng đóng thuế, thu hẹp sản xuất kinh doanh gia tăng. Những tháng đầu năm 2014, thu ngân sách đạt tỷ lệ khá so với dự toán cả năm, tăng khá so với cùng kỳ năm trước và tỷ lệ cũng như tốc độ tăng đều cao hơn các con số tương ứng của tổng chi ngân sách, nên tỷ lệ bội chi so với dự toán và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước thấp hơn các con số tương ứng của tổng thu, của tổng chi. Khả năng cả năm tỷ lệ bội chi so với GDP sẽ thấp hơn theo dự toán mà Quốc hội đã duyệt.

Tuy nhiên, do hiệu quả của nền kinh tế còn thấp, tỷ lệ nợ công/GDP mặc dù vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát, song cân đối thu, chi ngân sách vẫn còn khó khăn; tỷ lệ trả nợ so với tổng thu còn cao, nên phần còn lại để đầu tư không nhiều…

Trong điều kiện lạm phát thấp xuống, dù lãi suất tiền gửi đã giảm khá, nhưng lãi suất tiết kiệm vẫn còn có sức hấp dẫn, tốc độ tăng tiền gửi khá cao, thường gấp rưỡi, gấp đôi tốc độ tăng dư nợ tín dụng. Dư nợ tín dụng đã tăng chậm hơn nhiều so với trước đây, chủ yếu do tiêu thụ chậm, tồn kho cao, nợ xấu còn lớn. Do vậy, mặc dù tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại được cải thiện, nhưng chủ yếu do tín dụng không tăng lên được.

Tựu chung lại, kinh tế vĩ mô tuy đã được cải thiện, nhưng chưa thể chủ  quan, lơ là, vẫn phải được quan tâm như mục tiêu đã đề ra.