Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vận tải khởi sắc, tai nạn gia tăng sau giãn cách xã hội

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay diễn ra chỉ ít ngày sau khi yêu cầu về giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19 được nới lỏng. Các hoạt động giao thông và vận tải cũng chỉ được nối lại chưa được bao lâu sau một thời gian dài liên tục suy giảm, thậm chí có thời điểm gần như bất động.

 Sân bay Nội Bài trong chiều 30/4. Ảnh: Quý Nguyễn
Nhu cầu đi lại tăng
Về vận tải đường bộ, ngay trước thềm kỳ nghỉ lễ, Bộ GTVT thông báo cho phép xe khách liên tỉnh tuyến cố định được khai thác 100% số chuyến theo biểu đồ xe chạy thay vì 30% và 50% tùy theo nhóm nguy cơ như trước kia. Đây được xem là nút thắt quan trọng được tháo gỡ góp phần giúp vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô sôi động trở lại vào đúng dịp nghỉ Lễ cũng là thời điểm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.
Trên thực tế, ngay trong ngày đầu tiên nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, đường phố tại 2 đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện những điểm ùn tắc kéo dài. Tại Hà Nội là các tuyến đường cửa ngõ của Thủ đô như Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Vành đai 3 trên cao, Giải Phóng, các tuyến đường xung quanh các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình, Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ... ; tại TP Hồ Chí Minh là tuyến đường Huỳnh Văn Cừ từ TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đến cầu Phú Cường, giáp ranh huyện Củ Chi... Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị trước, lực lượng chức năng được tăng cường kịp thời đến các điểm nóng nên tất cả các điểm ùn tắc đều được thông nhanh chóng, đảm bảo cho người dân đi lại thuận lợi, an toàn.
Vận tải hàng không và đường sắt cũng liên tục có kế hoạch tăng cường để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Đặc biệt là hàng không, chỉ riêng tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, số chuyến bay từ mức đáy với chưa đầy 40 lượt chuyến/ngày trước đó đã tăng lên tới 180 lượt chuyến/ngày trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Sản lượng hành khách đã đạt hơn 15.000 lượt trong khi ngày thấp nhất (3/4) chỉ có hơn 1.000 khách. Riêng trong ngày 30/4, sản lượng các chuyến bay đạt 185 chuyến, trong đó 126 chuyến quốc nội và 59 chuyến quốc tế. Ngoài ra, các dịch vụ vận tải hành khách công cộng như taxi, xe buýt, xe hợp đồng, xe điện được hoạt động đầy đủ trở lại tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài kể từ ngày 29/4.
Lo ngại về tai nạn giao thông
Bên cạnh những nét tích cực trong lĩnh vực vận tải hành khách thì tình hình tai nạn giao thông (TNGT) lại cho thấy nhiều dấu hiệu đáng lo ngại khi các tiêu chí về TNGT đều gia tăng trong phần lớn các ngày nghỉ lễ. Trong 4 ngày nghỉ có tới 3 ngày TNGT gia tăng tương đối (1 hoặc 2 tiêu chí tăng). Trong 2 ngày đầu tiên (30/4 và 1/5), cả nước đã xảy ra 59 vụ TNGT, làm chết 37 người, bị thương 26 người. So sánh với 2 ngày đầu tiên kì nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2019 tăng 15 vụ (tăng 34,1%), tăng 1 người chết ( tăng 2%). Chỉ duy nhất tiêu chí về số người bị thương là giảm (giảm 7 người, tương đương 21%).
Đến ngày 2/5, cả nước cũng xảy ra 32 vụ TNGT, làm chết 24 người, bị thương 22 người. So với ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2019, số vụ TNGT giữ nguyên trong khi số người chết và người bị thương đều tăng, lần lượt là 9% (tương đương 2 người) và 15,7% (tương đương 3 người. Tính chung trong 3 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, số vụ TNGT tăng 16,5% (tương đương 15 vụ); số người chết tăng 4,9% (tương đương 3 người) so với 3 ngày đầu nghỉ lễ năm 2019. Chỉ có duy nhất tiêu chí số người bị thương là giảm 8,3% (tương đương 4 người).
Một vấn đề đáng lo ngại trong dịp nghỉ lễ vừa qua là vấn nạn “ma men sau tay lái” vẫn tiếp tục trở thành nỗi ám ảnh đối với ATGT. Theo số liệu của cơ quan chức năng, ngày 30/4 có tới 179 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện và xử lý; ngày 1/5 con số này tăng lên tới 316 trường hợp. Cũng trong những ngày nghỉ lễ, không ít vụ TNGT xảy ra mà nguyên nhân do tài xế sử dụng bia, rượu, đồ uống có cồn khi tham gia giao thông.