Chật vật tìm nơi đổ xăng
Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ngày 9/11, trên địa bàn Hà Nội nhiều cây xăng vẫn đóng cửa nghỉ bán. Tại những cây xăng có bán hàng thì người dân phải xếp hàng dài, chờ rất lâu để đổ được xăng; nhiều cây xăng thì giới hạn số lượng như chỉ bán tối đa 30.000 đồng với mỗi khách hàng đi xe máy và 300.000 đồng với mỗi khách hàng đi ô tô.
Sáng 9/11, tại một cây xăng trên đường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có khoảng 40 – 50 người đi xe máy đang chờ đổ xăng. Anh Vũ Công Trình (ở phường Định Công, quận Hoàng Mai) đang dừng đổ xăng cho biết, ngày hôm qua anh đã đổ xăng nhưng hôm nay tiếp tục phải đổ vì cây xăng chỉ bán giới hạn vài chục nghìn.
“Mỗi lần họ bán có 30.000 đồng, tôi chạy lên cơ quan cách nhà hơn 15 km hai chiều đi về là gần hết. Xe của tôi thường đổ hơn 100.000 đồng mới đầy bình nên ngày nào cũng đổ xăng quả thật rất vất vả. Mỗi lần đổ xăng cũng phải đợi 15 - 20 phút mới tới lượt”, anh Trình nói.
Chia sẻ về khó khăn mỗi lần đi đổ xăng những ngày gần đây, chị Nguyễn Thị Nga (ở phường Dương Nội, quận Hà Đông) cho hay: “Sáng nay (9/11), tôi tranh thủ đi làm sớm hơn 30 phút để tìm đến cây xăng cách nhà ở hơn 10km để đổ đầy bình. Mấy ngày qua, tôi chật vật với việc đổ xăng vì các cửa hàng xăng dầu xung quanh khu vực sinh sống đều đề biển “hết xăng, còn dầu”, “tạm thời chờ nhập hàng”, thậm chí là đóng cửa. Tối qua, tôi phải vào nhóm zalo của chung cư đang ở để hỏi cư dân mách địa chỉ cây xăng đổ đầy bình”.
Cũng theo nhiều người dân, mặc dù phải vất vả, mất nhiều công sức và thời gian hơn để mua được xăng, song những này gần đây do cập nhật tin tức trên các phương tiện truyền thông được biết tình hình nguồn cung xăng dầu đang gặp khó nên không bất ngờ và bức xúc.
Tuy nhiên, người dân bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp thiết thực để nguồn cung và thị trường xăng dầu sớm ổn định trở lại. Có như vậy, người dân mới hết cảnh thấp thỏm mỗi lần đổ xăng, đời sống sinh hoạt, sản xuất không bị xáo trộn.
Nhiều giải pháp chấm dứt việc thiếu xăng dầu
Có thể nói vướng mắc lớn nhất trên thị trường xăng dầu từ đầu năm đến nay là việc chi phí giá xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ vào giá cơ sở, doanh nghiệp (DN) thua lỗ và gặp nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn.
Để tháo gỡ vướng mắc, mới đây (ngày 8/11) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có công bản yêu cầu các ngân hàng thương mại quyết liệt triển khai các giải pháp tín dụng, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vốn của các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay của các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu phục vụ việc mua xăng dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu đã được phân giao, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để xảy ra thiếu hụt, không để xảy ra tình trạng trục lợi, vi phạm pháp luật. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm gây chậm trễ trong công tác tín dụng.
Cùng thời điểm, Bộ Tài Chính cũng công bố về việc chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu gửi Bộ Công Thương để nghiên cứu áp dụng từ ngày 11/11 tới. Theo đó, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu (đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu), cụ thể là: xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 640 đồng/lít; xăng RON95 1.280 đồng/lít; dầu điêzen 730 đồng/lít; dầu hỏa 1.740 đồng/lít; dầu madut 1.290 đồng/kg.
Trước đó, Bộ Công Thương đã đề nghị Tập đoàn dầu khí Việt Nam động viên các DN sản xuất (Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn) tiếp tục tăng sản lượng sản xuất và tăng sản lượng cung ứng ra thị trường thông qua hệ thống phân phối của mình.
Đề nghị tất cả các DN đầu mối, trong đó cả DN nhà nước, DN tư nhân có điều kiện khẩn trương hoàn tất các thủ tục nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch phân giao để sẵn sàng bù đắp sản lượng thiếu do các DN khác đã không và chưa thực hiện được theo cam kết.
Bởi trên thực tế, cho đến thời điểm này, trong số 36 DN đầu mối mới chỉ có 22 DN đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch phân giao, còn 14 DN (DN đầu mối tư nhân) chưa hoặc không thực hiện đầy đủ kế hoạch phân giao.
Mặc dù các bộ, ngành đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để sớm ổn định thị trường xăng dầu, song theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần khẩn trương hơn nữa trong việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu. Nhất là các quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu, quỹ bình ổn giá xăng dầu, việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu.
Nên đưa về một đầu mối là Bộ Công Thương quản lý xăng dầu sẽ giúp không chồng chéo trong quản lý. Bởi, trong quản lý xăng dầu, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý về giá, cách tính các loại giá cả; Bộ Công Thương quản lý về nguồn cung, thị trường, quản lý hoạt động của DN.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân