Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn thường trực nhiều mối lo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) luôn là vấn đề "nóng" trên địa bàn Hà Nội nhiều năm nay. Mặc dù Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) đã thực hiện rất nhiều giải pháp, nhưng các hành vi vi phạm HLATLĐCA vẫn diễn biến phức tạp.

Liên tục bị xâm phạm

Còn nhớ tháng 8/2013, trong khi thi công mở rộng đường Trần Quốc Hoàn, công nhân Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Hà Nội đã đào trúng tuyến cáp ngầm trung thế 22kV cấp điện từ trạm biến áp 110kV Nghĩa Đô làm mất điện một số khu vực trên địa bàn TP… Hồi 17 giờ 30 phút ngày 26/1/2014, tại ngõ 34 Vĩnh Tuy, một đơn vị đã đào vào đường cáp ngầm 22kV trạm 110 kV Mai Động gây mất điện 20 trạm biến áp cấp điện cho khu vực phường Vĩnh Tuy và Thanh Lương (thuộc quận Hai Bà Trưng) ảnh hưởng trên 3.500 hộ dân… Mặc dù giải pháp hạ ngầm được cho là giúp giảm thiểu tình trạng vi phạm, gây mất ATLĐ nhưng thực tế do ý thức cũng như sự cẩu thả trong việc thi công nên sự cố vẫn xảy ra.
Vẫn thường trực nhiều mối lo - Ảnh 1
Công nhân EVN Hà Nội tham gia tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp đến các hộ dân.
Trong khi đó, ở những khu vực LĐCA đi nổi, tình trạng vi phạm vẫn liên tục tái diễn. Vào hồi 8 giờ 45 phút ngày 23/6, trong khi cẩu gỗ từ trên xe xuống đất, chiếc xe cẩu BKS 30 Z1 - 563 của Công ty TNHH Tản Viên đã vi phạm khoảng cách HLATLĐCA đường dây 110kV trạm biến áp 110kV Xuân Mai đi các trạm biến áp 110kV Thạch Thất, Sơn Tây, Phùng Xá. Sự cố đã làm mất điện trên diện rộng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân…

Theo số liệu thống kê mới nhất, tháng 6/2014, trên địa bàn TP đã xảy ra 73 sự cố do các hành vi vi phạm HLATLĐCA. Nguyên nhân chủ yếu gây sự cố lưới điện, mất an toàn là do các đơn vị thi công và người dân trong khi thi công các công trình như san nền dự án, xe ô tô, cần cẩu, máy xúc đất, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, các loại cáp viễn thông, biển quảng cáo… đã vi phạm khoảng cách an toàn, va quệt vào đường dây trên không hoặc đào đường, đào cống, làm các công trình xây dựng ngầm đã va chạm vào cáp ngầm.

Tăng vai trò của các cấp chính quyền

Đến cuối năm 2013, số vụ vi phạm HLATLĐCA trên địa bàn Hà Nội là 1.176 trường hợp. Thực hiện chỉ tiêu giảm thiểu số hộ vi phạm đạt 25% cả năm (cụ thể là 294 hộ), từ đầu năm đến nay, EVNHANOI đã thực hiện giảm 189 trường hợp, đạt 64,3% kế hoạch đề ra. Trong đó, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý loại trừ 69 trường hợp tồn tại vi phạm cũ. Bên cạnh đó, EVN HANOI cũng đã tiến hành đầu tư củng cố kết cấu cột, nâng cao khoảng cách pha đất tuyến 110kV. Các điểm vi phạm HLATLĐCA của hệ thống cao áp 110kV đã giảm được 25 điểm (đạt 100% kế hoạch giao), vượt trước thời gian 6 tháng. Tổng Công ty cũng đã tiến hành cải tạo lưới điện giảm được 120 trường hợp vi phạm HLATLĐCA.

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Anh - Phó Chánh Văn phòng EVN HANOI, khó khăn khi giải quyết những trường hợp vi phạm HLATLĐCA là thái độ và ý thức của một bộ phận người dân, chủ đầu tư các công trình còn kém, thậm chí có những trường hợp dù biết việc vi phạm này có thể để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn cố tình làm.Để tăng cường xử lý các vi phạm về HLATLĐCA, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng như Công an, Công Thương, Điện lực và UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có kế hoạch để giảm đến mức tối thiểu số điểm vi phạm. Trên địa bàn TP vẫn tồn tại hơn 1.000 vụ vi phạm, chính vì thế nên "Bên cạnh những nỗ lực của ngành điện, rất cần sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương trong việc kiểm tra, từng bước đề ra giải pháp cụ thể xử lý những vi phạm tồn tại từ những năm trước, không để phát sinh các vi phạm mới" - đại diện EVN HANOI kiến nghị.
Từ đầu năm đến nay, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền bảo vệ HLATLĐCA trên các phương tiện thông tin đại chúng, EVN HANOI cũng đã in và phát khoảng 500.000 tờ tuyên truyền đến tận tay các hộ dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, tổ chức, DN trên địa bàn 577 xã, phường, thị trấn cảnh báo không bắn các loại pháo giấy có dây tráng kim loại, thả diều, thả đèn trời, đĩa bay lên đường dây, trạm điện hoặc gần đường dây, thiết bị lưới điện trung, cao áp, đề phòng cháy nổ…