Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vang bóng một thời

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lee Nguyễn bị đá văng khỏi Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), một quyết định khó khăn nhưng cần thiết để đảm bảo kỷ luật của đội bóng. Song có một thực tế là khi không còn Lee Nguyễn, HAGL không còn ngôi sao nào nữa.

KTĐT - Lee Nguyễn bị đá văng khỏi Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), một quyết định khó khăn nhưng cần thiết để đảm bảo kỷ luật của đội bóng. Song có một thực tế là khi không còn Lee Nguyễn, HAGL không còn ngôi sao nào nữa.

Thiên đường tỉnh lẻ một thời giờ thiếu những cầu thủ có sức thu hút sự chú ý của công chúng. Một thực tế buồn nhưng phản ánh quy luật vận động của bóng đá chuyên nghiệp.

Thời vang bóng

Có một thời, HAGL là điểm đến trong mơ của biết bao hảo thủ. Kiatisak bất chấp sự phản ứng của dư luận trong nước đã đến đầu quân cho HAGL. Việc Kiatisak thi đấu cho một đội bóng hạng Nhất Việt Nam (thời điểm năm 2002) thực sự là cú sốc với dư luận Thái Lan. Thế nhưng, mọi lời chỉ trích không thể lớn bằng những lợi ích mà “bầu” Đức mang lại cho “Zico Thái”. Thậm chí, anh còn là người mở đường cho làn sóng cầu thủ Thái Lan đến Việt Nam mưu sinh.

Không chỉ có giới cầu thủ Thái Lan, những ngôi sao hàng đầu Việt Nam đều không hẹn mà gặp nhau ở phố Núi. Minh Đức, Việt Thắng, Trung Tuấn, Hữu Đang, Mạnh Dũng, Văn Hạnh, Quốc Vượng, Quang Trường… lần lượt hội tụ dưới trướng “bầu” Đức. Họ mang về cho HAGL 2 chức vô địch liên tiếp, đổi lại, ông Đức đã mang đến cho những ngôi sao này một cuộc sống sung túc. HAGL là đội bóng phá vỡ mọi giới hạn về lương, thưởng và tiền “lót tay” ở V.League trong những năm cực thịnh của mình.

Bóng hoàng hôn

Giờ đây, HAGL không còn là tập hợp của những ngôi sao nức tiếng nữa. Tất nhiên, trong tay HLV Kiatisak vẫn còn nhiều cầu thủ thuộc diện “có số có má”. Nhưng để so sánh với lực lượng tinh nhuệ của Becamex Bình Dường (B.BD), SHB Đà Nẵng (SHB.ĐN) thì HAGL tỏ ra thất thế. Với tham vọng và sự hào phóng, “bầu” Đức tin vẫn còn có thể chiêu mộ nhiều Lee Nguyễn khác. Nhưng đó là chuyện của tương lai, hoặc chí ít là vài tháng tới, khi V.League bước vào giai đoạn bổ sung lực lượng giữa mùa. Còn hiện tại, HAGL phải sống với hào quang quá khứ cùng một đội ngũ thiếu sáng tạo.

Có nhiều nguyên nhân lý giải về sự thất thế của HAGL trong cuộc đua V.League. Người thì bảo, “bầu” Đức có những sai lầm về chiến lược. Nhưng đứng ở góc độ khác, việc HAGL không giữ được vị thế số một lại xuất phát từ vị trí địa lý và những mối quan hệ kinh tế trong làng bóng đá.

HAGL từng được ví là “thiên đường” trong làng bóng đá. Nhưng “thiên đường” tỉnh lẻ ấy không phải là chốn phồn hoa, có nhiều điểm vui chơi, giải trí vốn là nhu cầu rất sát sườn của những cầu thủ trẻ. Nhiều cầu thủ từng khoác áo HAGL đã bị ám ảnh bởi không gian trầm buồn của thành phố Pleiku và những đêm dài, lạnh lẽo của khu rừng Hàm Rồng. Với họ, tiền là yếu tố rất quan trọng, nhưng nếu không có chỗ để tiêu xài nhằm tìm sự hưng phấn ngoài bóng đá thì đó lại là vấn đề cần phải cân nhắc. Xét về vị trí địa lý, HAGL tỏ ra thua thiệt so với các “đại gia” như B.BD, SHB.ĐN, HN T&T, XM.HP vốn đóng quân ở những đô thị sầm uất. Hơn ai hết, “bầu” Đức và lãnh đạo đội bóng hiểu điều này, nhưng họ không thể biến Pleiku thành Đà Nẵng, Hà Nội hay TP.HCM.

“Mặt trời không mọc mãi trên núi Hàm Rồng” còn do một nguyên nhân khác. Đó là kinh tế. Trước đây, cầu thủ chấp nhận cuộc sống trầm lắng ở Pleiku để thực hiện giấc mộng làm giầu. Nhưng giờ, nhiều đội bóng khác cũng có chế độ đãi ngộ ngang bằng, thậm chí cao hơn HAGL. Không còn ưu thế về tài chính, HAGL đánh mất dần sức hấp dẫn với các ngôi sao cũng là điều dễ hiểu.