Đáng chú ý, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới lại chênh nhau trên 3 triệu đồng/lượng, biên độ mua vào bán ra được các doanh nghiệp nới cách xa nhau hơn nửa triệu đồng.
Cuối giờ chiều qua, tại Hà Nội, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đứng ở mức 43,05 - 43,35 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, mức giá này tiếp tục được phục hồi lên mức 43,25 - 43,45 triệu đồng/lượng sau đó một giờ. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng Rồng Thăng Long có thời điểm chỉ còn 41,9 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với cuối ngày 14/12, giá vàng các thương hiệu đã mất 800.000 - 1 triệu đồng/lượng. Vàng giảm sâu đã khiến lượng người mua vàng miếng tăng vọt. Giao dịch trên thị trường có 80% là mua vào.
Tại Hà Nội, không khí mua vàng SJC cũng tấp nập hơn hẳn đợt giảm giá trước. Tại Chi nhánh SJC Hà Nội trên phố Giang Văn Minh, lượng người mua vào vẫn chiếm đa số. Đặc biệt, tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông, trái ngược với không khí giao dịch bình thường thời gian gần đây khi thông tin về việc sắp tới chỉ có thương hiệu vàng SJC, ngày 15/12, lượng khách đến cửa hàng này tăng hẳn.
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng Nguyễn Trọng Tài, việc giá vàng nội đang đắt hơn giá vàng thế giới hơn 3 triệu đồng/lượng là có yếu tố đầu cơ. Còn việc doanh nghiệp niêm yết mua bán cách nhau, xa nhau tất yếu thiệt thòi thuộc về người mua. Tuy nhiên, đó là quyền của doanh nghiệp. Trong cơ chế thị trường, không thể can thiệp, chi phối đến từng tiêu chí kinh doanh của doanh nghiệp được. Bởi vậy, chỉ còn cách người dân nên bình tĩnh, thận trọng với các quyết định mua bán của mình để không chịu thiệt thòi mà thôi.
Trái ngược với sự đổ đèo của giá vàng là sự leo dốc của giá USD trên thị trường tự do. Chiều 15/12, một số điểm thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung báo giá ở mức 21.250 VND (mua vào) - 21.300 VND (bán ra), tăng 50 VND ở chiều mua và 60 VND ở chiều bán so với cuối giờ chiều 14/12.