Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vàng hưởng lợi khi đồng kỹ thuật số Bitcoin liên tục thủng đáy

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (24/5) giá vàng tiếp tục đi lên, khi thị trường đón nhận dòng tiền chảy mạnh vào tài sản phòng ngừa rủi ro. Bên cạnh lo ngại về lạm phát thì một yếu tố hỗ trợ cho thị trường vàng đó là đồng kỹ thuật số Bitcoin bị bán tháo.

 Giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng. Ảnh minh họa.

Tại thị trường châu Á sáng nay, giá vàng thế giới giao ngay tiếp tục tăng so với chốt phiên cuối tuần qua. Cụ thể, lúc 8 giờ 10 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao dịch quanh mức trên 1.884 USD/ounce, tăng hơn 4 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng trong nước sáng nay tiếp tục tăng so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch quanh mức 56,15 - 56,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch trong khoảng 56,15 - 56,52 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều tăng 70.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 20.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 350.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Doji trên thị trường Hà Nội quanh mức 56,1 - 56,5 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và đi ngang chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 400.000 đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, niêm yết giá vàng miếng SJC trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 56,12 - 56,48 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 370.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 52,5 - 53,2 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Nhẫn Gold của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 52,4 - 53,2 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với giá chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh bởi các nhà đầu tư đã tiếp tục gia tăng mua vàng, do lo ngại rủi ro lạm phát, đồng USD liên tục mất giá kể từ khi Mỹ công bố chỉ số CPI tháng 4 tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008.
Sau thông tin này, các quỹ ủy thác đầu tư vàng trên thế giới đã chuyển từ trạng thái bán ròng trước đó sang mua ròng trong tuần qua; nâng tổng số vàng mua ròng trong gần 5 tháng của các quỹ là 33,7 tỷ USD, vượt xa co số kỷ lục trước đó là 24 tỷ USD của năm 2016. Trong đó, Quỹ SPDR- Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới trong 3 tuần qua đã mua ròng khoảng 26 tấn vàng.
Cùng với lạm phát thì sự lao dốc của đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin trong tuần qua đã khiến dòng tiền chuyển dịch sang đầu cơ vàng. Cụ thể, sau thông tin sau khi tỷ phú Elon Musk - nhà sản xuất ôtô điện Tesla không chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền điện tử Bitcoin, thì Trung Quốc vừa thông tin sẽ mạnh tay với các hoạt động đào Bitcoin, khiến nhà đầu tư đã bán tháo đồng tiền này. Hiện Trung Quốc chiếm khoảng 80% giao dịch tiền điện tử toàn cầu. Kể từ hôm 12/5 đến nay đồng tiền điện tử Bitcoin đã bay mất hơn 1.000 tỷ USD vốn hóa trên thị trường.
Nhận định của chuyên gia, khi dòng tiền dịch chuyển mạnh sang vàng, sẽ đẩy giá kim loại quý nhanh chóng vượt quan mốc 1.900 USD/ounce.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng, trong tuần này Mỹ sẽ công bố một số dữ liệu kinh tế quan trọng. Trong đó, GDP quý 1/2021 sửa đổi dự kiến vẫn ở mức 6,4%; đơn đặt hàng hóa bền lâu tháng 4 dự kiến tăng 0,7%; chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 4 dự kiến tăng 0,6%… Nếu các chỉ số kể trên tăng mạnh hơn dự kiến, sẽ hỗ trợ tích cực cho USD, do đó giá vàng sẽ lùi sâu.