Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vàng: Sắp được nhập khẩu trở lại?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc nhập khẩu vàng vào thời điểm hiện nay khiến nhiều người lo ngại về khả năng gây sức ép tăng tỷ giá USD, vì giá ngoại tệ thị trường tự do đang ở giai đoạn “nóng”.

KTĐT - Việc nhập khẩu vàng vào thời điểm hiện nay khiến nhiều người lo ngại về khả năng gây sức ép tăng tỷ giá USD, vì giá ngoại tệ thị trường tự do đang ở giai đoạn “nóng”.

Mấy ngày qua, thị trường xuất hiện thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép các doanh nghiệp kim hoàn nhập khẩu vàng trở lại. Lý do dẫn tới chủ trương này được cho là tình trạng giá vàng trong nước khoảng nửa tháng trở lại đây đắt hơn giá vàng thế giới một thời gian liên tục rẻ hơn.

Trao đổi với báo giới sáng 12/7, một số công ty kim hoàn lớn như SJC và Sacombank-SBJ cho biết, họ đã xin cấp phép nhập khẩu vàng, nhưng chưa nhận được câu trả lời chính thức từ phía cơ quan chức năng.

Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh của SJC, sức mua vàng vật chất trong nước thời gian gần đây có chiều hướng tăng mỗi khi giá vàng thế giới có sự điều chỉnh giảm sâu dưới ngưỡng 1.200 USD/oz. “Nhiều thời điểm, giá vàng trong nước đắt hơn giá thế giới 400.000-500.000 đồng/lượng”, ông Tường nói.

Theo lý giải của giới kinh doanh vàng, sự chênh lệch giá này chính là cơ sở cho họ muốn xin nhập vàng cũng như Ngân hàng Nhà nước có chủ trương cấp hạn ngạch nhập khẩu kim loại quý này. Từ đầu năm tới thời điểm này, mới chỉ có SJC là đầu mối duy nhất được cấp phép xin nhập vàng, với khối lượng ước tính 6-7 tấn.

Trong khi đó, lượng vàng xuất khẩu ra khỏi Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ước tính đã lên tới 36 tấn. Đặc biệt, trong tháng 5-6, khi giá vàng trong nước liên tục đứng thấp hơn giá thế giới, có thời điểm tới 1 triệu đồng/lượng, và người dân liên tục bán vàng ra khi giá vàng thế giới tăng kỷ lục, khối lượng vàng xuất khẩu dưới dạng nữ trang đã tăng vọt so với những tháng trước đó.

Trên cơ sở cộng dồn nhập khẩu về Việt Nam trong nhiều năm qua, trừ đi lượng đã xuất, lượng vàng hiện còn nằm ở Việt Nam vào khoảng 300-400 tấn.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt nam (VGTA) kiêm Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới (WGC) tại Việt Nam, cho biết, tới sáng nay vẫn chưa có văn bản chính thức về việc Ngân hàng Nhà nước cho nhập vàng. Theo ông Khánh, chủ trương cho nhập vàng mới được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu công bố "miệng" bên lề một cuộc họp vào thứ Sáu tuần trước.

Việc nhập khẩu vàng vào thời điểm hiện nay khiến nhiều người lo ngại về khả năng gây sức ép tăng tỷ giá USD, vì giá ngoại tệ thị trường tự do đang ở giai đoạn “nóng”. Tuy nhiên, theo ông Khánh, một khi cấp hạn ngạch cho nhập vàng, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn ngoại tệ với giá hợp lý của các ngân hàng thương mại.

Giá vàng thế giới đang được một số nhà phân tích cho là có khả năng giảm thêm trong thời gian sắp tới khi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lắng dịu và kinh tế thế giới có thêm nhiều thông tin tích cực. Giới chuyên gia cho rằng, vàng thế giới giảm giá có thể sẽ thúc đẩy lực mua trong nước, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng kiếm lời.

Ngược lại, như những gì diễn ra trong tháng 5-6 vừa qua, giá vàng thế giới tăng kỷ lục, thúc đẩy bán ra, tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu vàng.

Thị trường vàng vật chất sáng nay phản ứng khá bình thản trước thông tin sắp được nhập vàng trở lại. Giá vàng trong nước hầu như không có biến động gì lớn, có giảm nhưng là giảm theo giá vàng thế giới. Lúc 10h20, giá vàng SJC tại Tp.HCM mua vào và bán ra lần lượt 28,24 triệu đồng/lượng và 28,29 triệu đồng/lượng, giảm 40.000 đồng/lượng so với cuối tuần vừa rồi.

So với giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá USD ngân hàng, cộng với thuế nhập khẩu và phí gia công, giá vàng trong nước đang đắt hơn khoảng 150.000 đồng/lượng. Đây là một mức chênh lệch mà giới kinh doanh kim hoàn cho là hợp lý để đảm bảo lợi nhuận phù hợp cho các đơn vị nhập khẩu.

Hạn ngạch nhập khẩu vàng thường có thời hạn ngắn, trong khoảng 2-4 tuần. Từ khi được cấp giấy phép chính thức, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 2-4 ngày để nhập vàng về, dập thành vàng miếng và đưa ra thị trường.