Theo niêm yết bảng giá của Công ty CP SJC Hà Nội, giá vàng SJC tại Hà Nội hiện giao dịch ở mức 41,85 triệu đồng/lượng (mua vào) - 42,2 triệu đồng/lượng (bán ra), chiều mua vào giảm 90.000 đồng/lượng còn chiều bán ra tăng 60.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Tại TPHCM, giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 41,85 triệu đồng/lượng - 42,2 triệu đồng/lượng, tăng mỗi chiều 50.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm trên thì công ty Bảo Tín Minh Châu cũng niêm yết giá vàng Rồng Thăng Long từ 40,05-40,30 triệu đồng/lượng. So với SJC thì thương hiệu này đang thấp hơn 1,85 triệu đồng/lượng.
Việc áp dụng chênh giá mua-bán vàng rộng hơn cho thấy độ thận trọng gia tăng của giới kinh doanh vàng. Điều này thường gặp khi giá vàng quốc tế có biến động mạnh. Nhưng gần đây, trước mỗi phiên đấu thầu vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, chênh giá mua-bán vàng trên thị trường cũng thường được nới rộng hơn bình thường, thể hiện sự thăm dò của các doanh nghiệp vàng trước khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức giá sàn của phiên đấu thầu.
Lúc 9h, giá vàng giao ngay tại châu Á giảm 5,4 USD/oz so với chốt phiên đêm qua tại New York, còn 1.421,9 USD/oz. Đêm qua, giá vàng đóng cửa tăng 19,8 USD/oz, tương đương tăng hơn 1,4%, đạt 1.427,3 USD/oz.
Trong phiên đêm qua, giá vàng đã lên mức cao nhất trong 1 tuần nhờ lực mua săn hàng giá rẻ. Tuy nhiên, áp lực giảm giá đối với vàng đang còn lớn khi các quỹ tín thác (ETF) vàng lớn vẫn không ngừng bán ra.
Phiên ngày 23/4, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cắt giảm hơn 1,6% khối lượng nắm giữ, tương đương mức bán ròng 18,4 tấn vàng, còn 1.104,7 tấn vàng, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2010.
Trên thị trường ngoại tệ trong nước, tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 23/4 là 20.828 đồng/USD, không đổi từ đầu năm. Trần tỷ giá áp dụng cho các ngân hàng thương mại giữ nguyên ở mức 21.036 đồng/USD.
Ở mức giá hiện tại, sau khi quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank là 20.945 đồng/USD thì giá vàng thế giới vẫn thấp hơn thương hiệu SJC trong nước khoảng 6,15 triệu đồng/lượng.