Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vàng tăng “phi mã” tới 53 triệu đồng/lượng: Lựa chọn nào cho nhà đầu tư?

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng miếng trong nước ngày 22/7 có phiên tăng đột biến do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, một số DN đã đẩy giá bán lên chạm ngưỡng 53 triệu/lượng, mức tăng kỷ lục chưa từng có trong vòng nhiều năm qua.

Tăng gần 2 triệu đồng/lượng sau một đêm
Sau khi đạt đỉnh 51,5 triệu đồng/lượng vào chiều 21/7, giá vàng miếng trong nước một lần nữa chinh phục đỉnh mới khi sáng 22/7, nhiều DN đã điều chỉnh tăng mạnh giá bán lên chạm mốc 53 triệu đồng/lượng.
Chỉ trong vòng 20 phút mở cửa, Eximbank đã 9 lần thay đổi giá vàng với mức tăng mạnh 1,55 triệu đồng/lượng, mua vào lên 52 triệu đồng/lượng, bán ra 53 triệu đồng/lượng; Tập đoàn Doji mua vào 52 triệu đồng/lượng, bán ra 52,8 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng mua vào.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng niêm yết mua vào, bán ra ở mức 52,10 – 52,88 triệu đồng/lượng, tăng 750.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 1,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Tập đoàn Phú Quý bán ra vàng miếng chạm mốc 53 triệu đồng/lượng, tăng 1,5 triệu đồng so với chiều qua. Giá mua vào tại đây hiện ở mức 52,1 triệu đồng, cũng là giá mua cao nhất thị trường...
 Mua bán vàng tại cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Như vậy chỉ trong hai ngày gần đây, giá vàng trong nước đã tăng 2,15 triệu đồng/lượng. Thậm chí, so với cùng giờ sáng ngày 21/7, giá bán đã tăng tới 2 triệu đồng, tương đương gần 4%. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới lúc 9 giờ sáng đạt 1.859 USD/ounce, tăng 18 USD/ounce.
Lý giải về việc giá vàng tăng mạnh, hãng tin CNBC dẫn lời một số chuyên gia cho biết, do việc bán tháo đồng USD và những kỳ vọng các gói kích thích kinh tế tiếp tục sẽ tung ra trên khắp thế giới để khôi phục nền kinh tế hậu Covid-19. 27 thành viên Liên minh châu Âu vừa đạt thỏa thuận về kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 857 tỷ USD sau 5 ngày họp thượng đỉnh. Quỹ đầu tư vàng SPDR đã mua thêm 7,89 tấn vàng, lượng vàng nắm giữ tăng lên 1.219,75 tấn – đây là ngày thứ 2 liên tiếp quỹ này mua vàng. Về mặt kỹ thuật, giá vàng đang trong xu hướng tăng 6 tuần liên tiếp và mục tiêu hướng đến mức cao lịch sử xác lập hồi năm 2011 ở 1.923 USD/ounce. Hiện vàng đang gặp mức cản ở 1.850 và 1.875 USD/ounce.
Người mua vẫn e dè
Dù có một vài quan điểm thận trọng, đa số nhà phân tích trên thị trường đều cho rằng vàng vẫn còn rất nhiều động lực kỹ thuật và cơ bản để tăng giá. Capital Economics nâng mạnh dự báo giá vàng từ nay đến cuối năm 2020.
Theo đó tổ chức này nhận định giá vàng kết thúc năm nay sẽ ở mức 1.900 USD/ounce, cao hơn so với ngưỡng dự báo 1.600 USD/ounce trước đây. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 52,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn 800.000 đồng/lượng so với giá các DN trong nước đưa ra. Trong khi đó, khoảng cách giữa giá mua và bán đồng loạt được các DN nới lỏng lên tới trên dưới 1 triệu đồng/lượng.
Việc giá vàng tăng quá mạnh trong hai ngày gần đây đã khiến thị trường bắt đầu có dấu hiệu sôi động trở lại. Tuy nhiên số người bán ra là chủ yếu. “Tôi mua 2 lượng vàng với giá 46,88 triệu đồng /lượng, nay thấy vàng tăng mạnh nên mang bán, chưa đầy 3 tháng mà lãi gần 11 triệu đồng. Trong khi đó, 200 triệu đồng gửi ngân hàng, từ đầu tháng 4 đến nay chưa được 3 triệu đồng tiền lãi” - chị Nguyễn Tuyết Mai ở Hàng Bài phấn khởi nói.
Còn anh Hoàng Trung ở phố Bà Triệu cho hay, giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới nên không vội mua vào. Đặc biệt chênh lệch giá bán vàng miếng được tăng lên mức 1,2 triệu đồng/lượng, gấp hơn hai lần so với mức chênh lệch sáng đầu tuần do đó đề phòng giá vàng đảo chiều. Hầu hết người mua đều cẩn trọng, e ngại "ôm" vào vì sợ rủi ro cao.
Trưởng phòng kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu Nguyễn Thị Luyến chia sẻ, thực tế, khi giá vàng có biến động tăng mạnh như hiện nay, thì nhìn chung khách hàng cũng rất cân nhắc và thận trọng khi đưa ra quyết định mua bán. Đặc biệt các nhà đầu tư họ phải theo dõi giá vàng thế giới, cập nhật thị trường trong nước hàng ngày, hàng giờ để nắm bắt tình hình thực tế để đưa ra quyết định làm sao để có thể đầu tư sinh lời, “mua đáy bán đỉnh”.
Chuyên gia Trần Thanh Hải dự báo, với tình hình kinh tế thế giới chưa mấy khả quan, dịch Covid-19 tiếp tục lan nhanh, nhiều quốc gia tiếp tục tung ra các gói kích thích kinh tế thì khả năng giá vàng thế giới sẽ còn tăng, từ đó kéo giá vàng trong nước đi lên.
"Về phía nhà đầu tư trong nước, hiện kênh đầu tư tiết kiệm lãi suất đang giảm mạnh, trái phiếu DN quá nhiều rủi ro, cơ quan quản lý cũng liên tục cảnh báo, chứng khoán có dấu hiệu "xanh vỏ đỏ lòng" thì kênh lướt sóng vàng trong ngắn hạn vẫn có khả năng sinh lời. Tuy nhiên, mua vàng làm của lúc này theo tôi là không nên" - ông Hải phân tích.