Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vàng thau lẫn lộn?

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 với 1.226 người, tăng gần 60% so với năm trước.

Con số này cao kỷ lục trong suốt lịch sử 41 năm Nhà nước tổ chức xét phong, công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư.
 Ảnh mang tính chất minh họa.
Sự gia tăng đột biến này được Hội đồng Chức danh giáo sư (GS) Nhà nước giải thích, do thời gian làm thủ tục được kéo dài ra so với lần trước và chất lượng tốt hơn qua các công trình công bố trên các tạp chí uy tín của thế giới. Vì vậy, con số “quá nhiều” này cũng là điều bình thường, nhưng nhiều nhà khoa học lại cho rằng, con số hơn 1.200 GS, phó giáo sư (PGS) được phong hàm là bất thường. Thực chất, đây là kết quả của quá trình các ứng viên "chạy nước rút" trước khi dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS mà Bộ GD&ĐT lấy ý kiến gần một năm nay chính thức được ban hành. Theo dự thảo này, tiêu chuẩn để được công nhận GS, PGS sẽ nâng lên rất cao và sẽ rất ít người có thể đạt được các tiêu chuẩn đó.

Việc Hội đồng Chức danh GS Nhà nước cho rằng, chất lượng GS, PGS năm 2017 đã được nâng lên, nhiều người phản bác, rằng trong số 85 GS được xét duyệt lần này chỉ có 56 GS có bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế ISI và Scopus, chiếm gần 66%. Như vậy khoảng 34% GS được phong không có bài báo quốc tế. Đối với PGS, trong số 1.141 người được xét duyệt, có 532 người có bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế, chiếm 46,6%, nghĩa là trên 53% PGS được xét duyệt không có bài báo khoa học trên các tạp chí ISI và Scopus. Ngoài ra, hậu vấn đề phong tặng chức danh GS, PGS còn có khá nhiều lùm xùm. Có ý kiến cho biết, trong quy định về tiêu chuẩn GS, PGS hiện nay không có sự rạch ròi, không có quy định cứng, ví như, mỗi bài báo quốc tế hội đồng xét duyệt có thể cho 1 điểm nhưng cũng có thể cho 0,5 điểm, điều này có thể dễ dẫn đến tiêu cực trong xét hồ sơ. Có đơn vị, 30 ứng viên nộp hồ sơ phong hàm, chỉ trượt 1, ngược lại, có đơn vị lại trượt gần hết, có trường hợp bị kêu là trượt “oan”.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, cái "dở" nhất của chuyện xét công nhận GS, PGS ở Việt Nam có tình trạng “vàng thau lẫn lộn” nên công chúng nhìn vào khó có thể biết đâu là “vàng”, đâu chỉ là “thau”. Vả lại, việc Việt Nam có quá nhiều GS, PGS với hàng nghìn công trình nghiên cứu khác nhau nhưng số công trình được áp dụng thực tế quá ít, hầu hết chỉ có giá trị… trong thư viện. Vậy nên, để biến những công trình khoa học ấy giúp ích cho đời, giúp đất nước phát triển và hội nhập quốc tế dường như vẫn chỉ là điều kỳ vọng, mơ về tương lai ở phía trước.